Hiểu đúng về Tâm thần phân liệt

Hiểu đúng về Tâm thần phân liệt

Từ trước tới nay nhắc đến người bệnh tâm thần, mọi người sẽ nghĩ ngay đến “người bị điên”. Họ thường lang thang ngoài đường, quần áo rách rưới; dễ bị kích động, la hét hoặc có những hành vi rất kì lạ. Còn trong y khoa, các triệu chứng trên thuộc phổ tâm thần phân liệt và các rối loạn loạn thần khác.

  1. Thuật ngữ

Tâm thần là một hoạt động cấp cao của não bộ, gồm ba mảng gắn bó mật thiết với nhau là tư duy, cảm xúc và hành vi. Ở người bệnh tâm thần phân liệt, ba hoạt động này bị phân rã, không còn phù hợp với nhau nên được gọi là “phân liệt”.

Còn loạn thần là một thuật ngữ chung. Các triệu chứng loạn thần có thể xảy ra trong nhiều bệnh chứ không riêng gì tâm thần phân liệt. Người bị loạn thần thường không thể phân biệt đâu là thực tại đâu là suy nghĩ, là “thế giới riêng”của mình. Hoang tưởng và ảo giác là hai triệu chứng nổi bật của loạn thần. Bên cạnh đó còn có lời nói và hành vi vô tổ chức.

2. Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt 

Tâm thần phân liệt thường xuất hiện từ khi còn là thiếu niên. Bệnh tiến triển từ từ, làm thay đổi cách con người suy nghĩ và hành xử. Ban đầu, các dấu hiệu rất khó để nhận ra. Các triệu chứng như thu rút xã hội, thay đổi trong sinh hoạt, ngủ nghỉ có thể nhầm lẫn như là một giai đoạn của tuổi dậy thì. Bệnh thường diễn tiến theo từng đợt. Trong suốt giai đoạn bệnh các triệu chứng của họ thường nặng (gọi là giai đoạn cấp), sau đó là giai đoạn có ít hoặc không có triệu chứng.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm:  

Ảo giác

Là rối loạn về tri giác mà người bệnh có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm hoặc cảm nhận về một thứ có thể là con người, đồ vật hay bất cứ thứ gì mà không tồn tại trong thực tế. Ảo giác thường gặp nhất là ảo thanh. Khi đó, bệnh nhân có thể nghe được tiếng của giọng nói đang thì thầm vào tai mặc dù họ đang ngồi một mình và xung quanh không có ai. Những tiếng nói đó có thể bình luận, nhận xét các hoạt động đang diễn ra, hoặc yêu cầu trực tiếp bệnh nhân làm bất cứ điều gì.

Cũng có khi bệnh nhân chỉ là người thứ ba đang nghe về cuộc đối thoại giữa hai hoặc nhiều ảo thanh đang nói chuyện. Và thái độ của bệnh nhân đối với những ảo thanh đó rất quan trọng, liên quan đến thái độ xử trí, có tức giận, phản kháng với giọng nói đó, thực hiện mệnh lệnh của ảo thanh, hay sợ hãi, yêu thích, phớt lờ ảo giác… rất cần để biết.

Hoang tưởng

Là một triệu chứng khác nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán của tâm thần phân liệt. Đây cũng là từ chúng ta thường dùng để nói ai đó tin vào việc mà không có thực, cho dù điều đó không thực tế, thậm chí có những bằng chứng chứng minh điều đó hoàn toàn sai nhưng người bệnh vẫn tin tưởng. Ví dụ, bản thân là người bình thường nhưng luôn nói với người khác rằng mình là điệp viên, đang hoạt động bí mật cho tổ chức phòng chống tội phạm quốc tế.

Nội dung hoang tưởng thường gặp có thể  là hoang tưởng bị hại. Người bệnh tin rằng mình đang bị theo dõi, đầu độc, ám hại; thường là bởi người trong gia đình hoặc bạn bè. Họ có thể tin rằng những bài viết trên báo hoặc nội dung phát thanh viên đang nói trên ti vi là đang nói tới họ, hoặc có những diễn giải rất kì lạ về suy nghĩ của mình như bị ai đó đánh cắp, hoặc bị người khác lấy suy nghĩ của họ áp đặt vào người bệnh, và đó không phải là suy nghĩ của người…

Ngôn ngữ vô tổ chức (disorganized speech)

Bệnh nhân thường chuyển chủ đề rất nhanh từ chủ đề này qua chủ đề khác, hoặc trả lời có nội dung không liên quan với câu hỏi của bác sĩ. Tuy nhiên, người nghe vẫn có thể hiểu được. Trong một số tình huống khác, người bệnh có thể nói từng từ, cụm từ lộn xộn, không liên quan về mặt ngữ nghĩa, hay logic, người nghe không thể hiểu họ đang muốn diễn đạt cái gì.

Hành vi vô tổ chức (disorganized behavior)

Ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, những hành vi vô tổ chức (disorganized behavior) cũng thường xảy ra và không thể dự đoán trước được. Họ có thể đột nhiên kích động, la hét, hoặc có những hành vi kì lạ không phù hợp với bối cảnh.

Và nhóm triệu chứng cuối dù không nổi bật, rầm rộ như các triệu chứng trên nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của bệnh nhân, đó là các triệu chứng âm tính. Triệu chứng âm tính có thể xuất hiện vài năm trước khi triệu chứng dương tính xuất hiện. Nó thường được coi là tiền triệu của bệnh, dần dần sẽ trở nên tồi tệ, nặng nề hơn, bao gồm sống thu rút khỏi xã hội và ngày càng không quan tâm tới xung quanh kể cả bản thân bệnh nhân. Họ không còn thiết tha vệ sinh cá nhân, chẳng thèm để ý tới vẻ bề ngoài của mình. Người bệnh dần mất đi sự yêu thích và động lực trong các mối quan hệ, kể cả tình dục. Họ mất tập trung, không muốn ra khỏi nhà và thay đổi giấc ngủ. Ít bắt chuyện với người khác, cảm thấy không có gì để nói và không thoải mái khi có nhiều người.

3. Nguyên nhân nào khiến con người mắc tâm thần phân liệt

Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa xác định được rõ ràng, các nghiên cứu đều cho rằng sự kết hợp các yếu tố về di truyền, thể chất, tâm lý, môi trường đều góp phần gây ra tình trạng này.

  • Di truyền

Nếu trong gia đình bạn có bố/mẹ/anh/chị/em mắc tâm thần phân liệt, nguy cơ bị bệnh sẽ tăng lên gấp 10 lần so với người bình thường. Các nghiên cứu quan sát các cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy nếu một người mắc bệnh thì xác suất để người còn lại cũng mắc bệnh là 50%. Gen (vật chất di truyền) rõ ràng là có ảnh hưởng đến việc mắc bệnh nhưng không có một gen đơn độc nào chịu trách nhiệm biểu hiện bệnh mà gồm nhiều gen khác nhau.

Tuy nhiên, việc mang các gen này không có nghĩa là chắc chắn người đó bị bệnh mà chỉ là có nguy cơ cao hơn so với người bình thường, bởi gen không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng lên sự phát triển của bệnh.

  • Chất dẫn truyền thần kinh

Não bộ điều khiển chức năng của cơ thể thông qua các tín hiệu được dẫn truyền bởi các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter). Có sự liên quan giữa các chất này và tâm thần phân liệt, bởi vì thuốc để điều trị bệnh giúp điều chỉnh nồng độ các chất trong não và làm giảm các triệu chứng của tâm thần phân liệt. Một số nghiên cứu cho rằng có thể sự mất cân bằng của hai chất: serotonin và dopamin có thể là nền tảng của vấn đề.

  • Lạm dụng chất

Thuốc không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tâm thần phân liệt, nhưng các nghiên cứu cho thấy lạm dụng chất, đặc biệt là cần sa (cannabis), cocain, thuốc gây ảo giác (LSD), amphetamin (ma túy đá)… có thể khởi phát triệu chứng ở những người nhạy cảm. Những người đã hồi phục sau một giai đoạn cấp của tâm thần phân liệt nếu dùng lại những loại thuốc này bệnh có thể tái diễn.

  • Stress

Cũng giống như lạm dụng thuốc, các yếu tố xã hội căng thẳng không phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh, nhưng nếu gặp các tình huống mất đi người thân, người yêu, mất việc, mất nhà, ly hôn, hay bị lạm dụng về thể chất, tinh thần, tình dục…cũng có thể khởi phát bệnh ở những người có nguy cơ cao.

4. Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Chẩn đoán tâm thần phân liệt là chẩn đoán lâm sàng, dựa vào sự kết hợp các triệu chứng không chỉ tại thời điểm bệnh mà cần phải khai thác bệnh sử từ trước đó.

Theo tiêu chuẩn của DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder – Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), tâm thần phân liệt được chẩn đoán khi thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn sau:

Có ít nhất hai triệu chứng trong số ảo giác, hoang tưởng, ngôn ngữ vô tổ chức, hành vi vô tổ chức, các triệu chứng âm tính kéo dài ít nhất một tháng (bắt buộc phải có một trong ba triệu chứng đầu tiên).

Bệnh làm giảm khả năng chăm sóc bản thân, hoạt động xã hội, công việc, học tập so với trước khi mắc bệnh. Tổng thời gian bệnh kéo dài liên tục ít nhất 6 tháng, bao gồm cả giai đoạn cấp tính, loạn thần hoạt động nổi bật và giai đoạn tiền triệu (prodomal), các triệu chứng âm tính.

Và cũng như các bệnh lý tâm thần khác, các triệu chứng phải loại trừ do tổn thương của thần kinh trung ương như u não, viêm màng não, chấn thương đầu hoặc các bệnh lý toàn thân như rối loạn điện giải, hạ đường huyết, sốc nhiễm trùng, rối loạn nội tiết tuyến giáp… và tác dụng do chất thuốc như đã đề cập ở trên.

Và nếu có rối loạn khí sắc đi kèm (trầm cảm, lưỡng cực) thì công việc của bác sĩ sẽ cực hơn vì phải phân biệt là tâm thần phân liệt có biểu hiện khí sắc hay là một rối loạn khí sắc có triệu chứng loạn thần đi kèm, vì hai hướng xử trí cũng như tiên lượng của hai bệnh là rất khác nhau.

5. Diễn tiến bệnh tâm thần phân liệt như thế nào?

Điển hình, thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên, sau đó tiền triệu xuất hiện trong vài ngày đến vài tháng. một năm hoặc hơn trước khi khởi phát triệu chứng loạn thần rõ ràng.

Giai đoạn kinh điển của tâm thần phân liệt là một đợt bùng phát và có lui bệnh. Sau đợt loạn thần đầu tiên, bệnh nhân dần khôi phục và sau đó chức năng tương đối bình thường một thời gian dài. Tuy nhiên bệnh nhân thường tái phát, sau mỗi đợt loạn thần, chức năng cơ bản của bệnh nhân sẽ giảm hơn nữa và không trở lại như ban đầu.

Các triệu chứng dương tính có xu hướng trở nên ít nặng nề hơn qua thời gian, nhưng các triệu chứng âm tính làm giảm về chức năng xã hội lại tăng mức độ. Dù khoảng một phần ba tất cả các bệnh nhân tâm thần phân liệt sống hoà nhập với xã hội nhưng đa phần họ không có mục đích sống, sống lệ thuộc, thường xuyên nhập viện hoặc lang thang ngoài đường.

Mong rằng qua bài viết này có thể giúp quý độc giả hiểu thêm về nguyên nhân, chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, nó cũng như bao bệnh mãn tính khác, vậy nên đừng kì thị người bệnh, nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân mình mắc bệnh, đừng ngần ngại hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được giúp đỡ.