Những điều cần biết về Mộng du

Những điều cần biết về Mộng du

HYPPO Clinic

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị mộng du.

Mộng du (còn gọi là somnambulism), là một rối loạn giấc ngủ. Khi một người đang ngủ bình thường, cả thể chất và tâm trí của họ đều đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi một người mộng du, cơ thể và một số phần của tiềm thức vẫn đang hoạt động, trong khi phần ý thức của tâm trí đã ngủ say.

Mộng du khá phổ biến ở tuổi trẻ, ảnh hưởng lên đến 17% trẻ em - đặc biệt là trong độ tuổi từ 8-12 tuổi.

Tuy nhiên, mọi người có thể bắt đầu mắc mộng du ở bất kỳ độ tuổi nào. Trên thực tế, một số chuyên gia ước tính khoảng 4% người lớn trải qua các cơn mộng du.

Hầu hết các cơn mộng du kéo dài khoảng 10 phút, tuy nhiên một số trường hợp cơn mộng du có thể kéo dài hơn. Khi tiếp cận với người trong cơn mộng du, trước hết phải đảm bảo họ được an toàn. Sau đó hãy cố gắng nhẹ nhàng giúp họ quay trở lại giường ngủ.

Các chuyên gia cho rằng không có bất kỳ nguy hiểm đáng kể nào khi đánh thức người đang mộng du, song hành động la hét để đánh thức có thể làm họ giật mình/hoảng hốt.

Nguyên nhân 

Nghiên cứu cho thấy hành vi mộng du thường diễn ra trong giai đoạn giấc ngủ không chuyển động mắt (NREM), hay còn gọi là "giấc ngủ sóng chậm" (slow-wave sleep), diễn ra trong một phần ba đầu tiên của chu kỳ ngủ. Điều này có thể do sự rối loạn trong cách não điều chỉnh các mức độ ngủ khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người ta có khả năng mắc mộng du cao hơn nếu họ có thành viên trong gia đình cũng từng mắc phải tình trạng này.

Bên cạnh yếu tố di truyền, những yếu tố thúc đẩy giai đoạn ngủ sóng chậm (như tình trạng thiếu ngủ trước đó) và những yếu tố tăng cường sự tỉnh giấc (như căng thẳng, sử dụng thức uống có cồn, và các rối loạn giấc ngủ khác) cũng có thể làm gia tăng tần suất mắc mộng du.

Các chuyên gia cũng lưu ý một số yếu tố bổ sung khác có vai trò gây ra mộng du. Những yếu tố này bao gồm:

  • Hội chứng Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn 
  • Thiếu ngủ 
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt 
  • Du lịch 
  • Căng thẳng 
  • Một số loại thuốc nhất định như zolpidem 
  • Rượu hoặc đồ uống có cồn 
  • Sốt
  • Hội chứng đau nửa đầu 
  • Tiếng ồn hoặc ánh sáng 
  • Chấn thương đầu
  • Tai biến mạch máu não 
  • Phù não 

Triệu chứng 

Điểm nhận diện then chốt cho thấy một người đang mắc mộng du là họ đang di chuyển và hoạt động mặc dù không ở trạng thái tỉnh thức.

Một số triệu chứng khác bao gồm:

  • Mắt mở, thường với vẻ mặt trống rỗng 
  • Khó đánh thức 
  • Lú lẫn 
  • Nói lảm nhảm trong khi ngủ hay nói mớ 
  • Nhanh chóng trở về trạng thái ngủ 
  • Ăn 
  • Sử dụng nhà vệ sinh 
  • Hoạt động tình dục 

Việc một người di chuyển khi họ thực sự không ở trạng thái tỉnh táo cũng có thể nguy hiểm. Cầu thang và các vật sắc nhọn là những mối đe dọa trực tiếp.

Trong những trường hợp hiếm, người ta còn chứng kiến người mắc mộng du đang lái xe, điều này vô cùng nguy hiểm, vì nó đặt cả người bệnh và những người xung quanh họ vào nguy cơ bị thương và tử vong.

Việc những người mắc mộng du không nhớ những gì họ đã làm trong khi ngủ cũng khá phổ biến.

Điều trị

Điều trị mộng du phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh.

Bởi vì mộng du ở trẻ em khá phổ biến và thường tự khỏi, khuyến nghị điều trị đầu tiên thường là người lớn giám sát chặt chẽ những trẻ em có xu hướng đi lại trong khi ngủ. Phòng ngừa chấn thương là phần quan trọng nhất trong kiểm soát tình trạng bệnh lý.

Người ta đã thử áp dụng kế hoạch đánh thức ở trẻ em mắc mộng du và đạt được một số thành công. Để áp dụng phương pháp này:

  1. Ghi chép thời điểm thường xuyên xảy ra mộng du ở trẻ. 
  2. Nhẹ nhàng đánh thức trẻ 15 phút trước thời điểm đó.
  3. Sau một khoảng thời gian ngắn nhẹ nhàng, giúp trẻ ngủ lại. 
  4. Lặp lại quy trình này hàng đêm trong một tháng để thay đổi chu kỳ giấc ngủ của trẻ.

Điều trị cho người lớn có thể bắt đầu bằng việc ghi chép nhật ký giấc ngủ và tham gia một kiểm tra giấc ngủ qua đêm. Điều này có thể giúp chuyên gia chăm sóc sức khỏe xác định những yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của từng cá nhân.

Theo một số chuyên gia, các vấn đề về hô hấp như hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể đóng vai trò trong mộng du. Nhiều trường hợp khi điều trị kiểm soát được các vấn đề về hô hấp này, mộng du sẽ ngừng lại.

Liệu pháp thôi miên (hypnosis) cũng đã giúp ích cho một số người bệnh.

Chuyên gia y tế không thường xuyên kê đơn thuốc cho người mắc mộng du.

Tạo môi trường ngủ an toàn bằng cách khóa cửa sổ, cửa ra vào là rất quan trọng đối với những người không thể kiểm soát được mộng du. 

Phòng ngừa

Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong phòng ngừa chứng mộng du là người bệnh nhận thức được rằng họ có hành động bất thường trong khi ngủ.

Thực hiện các biện pháp quản lý hành vi bao gồm:

  • Cẩn thận phòng ngừa mất ngủ, đặc biệt khi thay đổi múi giờ 
  • Xây dựng thói quen giờ giấc ngủ đều đặn và lưu ý đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày 
  • Nếu trẻ em bị mộng du, hãy đảm bảo người chăm sóc và bất kỳ ai có thể chăm sóc trẻ đều biết về chứng mộng du của trẻ 
  • Lắp đặt cửa an toàn xung quanh cầu thang 
  • Ngủ trên giường thấp và ở tầng trệt nếu có thể
  • Khóa cửa sổ và loại bỏ các vật dụng nguy hiểm như bình hoa thủy tinh khỏi phòng ngủ 
  • Giữ chìa khóa ô tô, vũ khí và các dụng cụ điện được khóa an toàn và xa tầm với của người mộng du 
  • Thăm khám chuyên gia y tế để đảm bảo người bệnh không dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra mộng du, vì một nghiên cứu đã xác định 29 loại thuốc gây ra điều này 
  • Quản lý căng thẳng bằng cách tập thể dục đều đặn, cần hoàn thành từ 5-6 giờ trước khi đi ngủ. 

Khi nào cần gặp bác sĩ

Hầu hết các trường hợp, các chuyên gia cho rằng trẻ em mắc mộng du không cần phải nhờ đến thăm khám chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Mặt khác, những người lớn mắc mộng du được khuyến khích đến thăm khám nơi chuyên về y học giấc ngủ càng sớm càng tốt khi họ nhận thấy bản thân mắc tình trạng này.

Các bệnh lý đồng mắc

Một số nhà nghiên cứu báo cáo rằng vấn đề về hô hấp, đặc biệt là hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ, là các bệnh lý đồng mắc phổ biến nhất liên quan đến mộng du.

Những người mắc hội chứng chân không yên (restless legs syndrome) hoặc rối loạn vận động chi khi ngủ cũng có thể trải nghiệm mộng du.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng có thể là tác nhân trong mộng du. Ví dụ, một nghiên cứu đã phát hiện rằng trong dân số chung, 2–4% người lớn trải nghiệm mộng du, nhưng trong dân số người bệnh tâm thần, tỷ lệ này là 8,5% người lớn.

Ngoài ra, mặc dù chưa đến 20% những người trải nghiệm chứng mộng du trong dân số chung bắt đầu có triệu chứng này ở tuổi trưởng thành, nhưng trong nhóm người mắc bệnh tâm thần, con số này lại vượt quá 40%.