Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD)

Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD)

HYPPO Clinic

Bài viết này trình bày các nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt, cùng với các lựa chọn điều trị cho những người bị ảnh hưởng.

Từ 20 đến 40 phần trăm phụ nữ trải nghiệm hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ở mức độ trung bình đến nặng. Từ 3 đến 8 phần trăm trong số này trải qua các triệu chứng cản trở đến hoạt động thường ngày. Đây là rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD).

Sự khác biệt giữa rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là các triệu chứng của PMDD nghiêm trọng và gây suy giảm chức năng. PMDD bao gồm một tập hợp các triệu chứng sinh lý và tâm lý ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe tâm thần của cá nhân.

Một số sự thật về PMDD 

  • Các triệu chứng của rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) gây rối loạn chức năng sinh hoạt hàng ngày và cần điều trị y tế.
  • PMDD ít phổ biến hơn PMS, và các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
  • Các triệu chứng thường được cảm nhận rõ rệt nhất trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.
  • Các triệu chứng của PMDD có thể kéo dài cho đến tận thời kỳ mãn kinh.

Triệu chứng

Các triệu chứng của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) tương tự nhưng nghiêm trọng hơn so với những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Các triệu chứng PMDD thường xuất hiện trong 1 tuần trước khi có kinh và giảm dần trong vài ngày đầu sau khi bắt đầu hành kinh.

Những người mắc PMDD thường không thể hoạt động ở mức độ bình thường khi các triệu chứng xuất hiện.

Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và gây rối loạn các sinh hoạt tại gia đình và nơi làm việc.

Các triệu chứng của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD), bao gồm cả phổ biến và hiếm gặp, gồm:

  • Kiệt sức
  • Tâm trạng thất thường, thường xuyên cáu gắt, lo âu, trầm cảm và căng thẳng.
  • Khóc nhiều và nhạy cảm về cảm xúc.
  • Khó tập trung
  • Nhịp tim nhanh
  • Hoang tưởng và gặp vấn đề với hình ảnh bản thân
  • Khó khăn về phối hợp 
  • Hay quên/đãng trí 
  • Chướng bụng, tăng cảm giác thèm ăn và rối loạn tiêu hóa 
  • Đau đầu 
  • Đau lưng
  • Co thắt cơ, tê hoặc ngứa rát ở chi 
  • Cảm giác nóng bừng
  • Chóng mặt 
  • Ngất xỉu
  • Mất ngủ
  • Rối loạn thị giác
  • Các triệu chứng về đường hô hấp, như dị ứng và nhiễm trùng 
  • Đau bụng kinh nhiều
  • Giảm ham muốn 
  • Dễ bầm tím 
  • Tăng độ nhạy cảm

Tình trạng ứ dịch có thể dẫn đến căng tức ngực, tiểu ít, phù bàn tay, bàn chân và mắt cá, và tăng cân tạm thời.

Cũng có thể có các vấn đề về da, như mụn, viêm và ngứa, và làm nặng thêm mụn trứng cá.

Hầu hết các triệu chứng này đều ảnh hưởng đến cảm xúc hoặc đi cùng với lo âu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây ra Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) và Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) vẫn chưa được xác định.

Có đề xuất rằng Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) bắt nguồn từ phản ứng bất thường của não đối với sự thay đổi các hormone trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin.

Những phụ nữ từng trải qua trầm cảm sau sinh, hoặc có tiền sử rối loạn khí sắc, trầm cảm trong gia đình thường dễ mắc phải PMDD hơn so với những người khác.

Chẩn đoán 

Các triệu chứng của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) có thể tương tự như những bệnh lý khác, vì vậy các nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ có khả năng tiến hành khám lâm sàng, thu thập tiền sử bệnh và yêu cầu một số xét nghiệm để loại trừ các tình trạng khác khi đưa ra chẩn đoán.

Biểu đồ triệu chứng (symptom chart) cũng được sử dụng trong quá trình chẩn đoán để xác định mối tương quan giữa các triệu chứng và chu kỳ kinh nguyệt.

Theo hướng dẫn từ Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần phiên bản 5 (DSM-V) yêu cầu các triệu chứng của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) phải hiện diện trong ít nhất hai chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp trước khi đưa ra chẩn đoán PMDD.

Theo các hướng dẫn, các triệu chứng phải:

  • Xuất hiện một tuần trước khi có kinh nguyệt 
  • Giảm dần sau khi bắt đầu và trong vòng vài ngày đầu của kinh nguyệt 
  • Gây cản trở hoạt động sống hàng ngày 

Để được chẩn đoán Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD), bệnh nhân phải trải qua ít nhất một trong những triệu chứng sau:

  • Cảm xúc buồn bã hoặc tuyệt vọng
  • Cảm xúc lo âu hoặc căng thẳng 
  • Tâm trạng thất thường hay tăng độ nhạy cảm
  • Cảm xúc giận dữ hoặc cáu gắt

Các triệu chứng khác của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) có thể bao gồm:

  • Thiếu hứng thú với những công việc hàng ngày, và điều này thường đi kèm với việc hạn chế giao tiếp xã hội.
  • Khó tập trung 
  • Mệt mỏi 
  • Thay đổi khẩu vị
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ, có thể ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ 
  • Cảm thấy bị quá tải hoặc mất kiểm soát 

Bên cạnh đó, PMDD cũng gây ra các triệu chứng cơ thể khác như căng tức ngực, đau đầu, đau khớp và cơ, chướng bụng và tăng cân.

Điều trị 

Để điều trị Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD), có hai loại thuốc được sử dụng phổ biến: một loại ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và loại còn lại tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương.

Ví dụ bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm SSRI như fluoxetine (Prozac, Sarafem), sertraline (Zoloft), paroxetine (Paxil) và citalopram (Celexa) 
  • Thuốc tránh thai uống có chứa drospirenone và ethinyl estradiol
  • Các loại thuốc tương tự hormone giải phóng gonadotropin, bao gồm leuprolide (Lupron), nafarelin (Synarel) và goserelin (Zoladex).
  • danazol (Danocrine)

Liệu pháp nhận thức (CT) đã được chứng minh là có thể giúp những người mắc Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Kết hợp với thuốc, liệu pháp nhận thức cũng có thể giúp những người mắc Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD).

Thực phẩm chức năng 

Một số loại thực phẩm chức năng đã được khuyến nghị để điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt, nhưng các nghiên cứu còn thiếu để hỗ trợ hiệu quả và an toàn lâu dài khi sử dụng chúng.

Ví dụ bao gồm:

  • Cao chiết từ cây nhân sâm để giảm các triệu chứng về cơ thể
  • Dầu hoa anh thảo
  • Oxit magiê
  • Bổ sung chế độ ăn uống với canxi, vitamin B6, magiê và vitamin E

Các thực phẩm chức năng thường có sẵn để mua trực tuyến, nhưng tốt hơn nên tham vấn chuyên gia y tế trước khi sử dụng. 

Các biện pháp thay thế

Các biện pháp thay thế có thể được thử nghiệm cho PMS và có thể hữu ích với Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) bao gồm:

  • Yoga
  • Liệu pháp Khí công 
  • Liệu pháp nhụy hoa nghệ tây
  • Kỹ thuật thư giãn sâu (guided imagery)
  • Kích thích quang học (photic stimulation)
  • Châm cứu

Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định hiệu quả của các biện pháp điều trị này.

Chế độ ăn uống và luyện tập thể dục 

Những thay đổi về chế độ ăn uống bao gồm:

  • Giảm tiêu thụ đường, muối, cafein và đồ uống có cồn như rượu
  • Tăng cường protein và tiêu thụ các loại carbohydrate phức tạp

Tập thể dục, kỹ thuật giảm stress và thay đổi cách nhìn về kinh nguyệt có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Các cách thức điều trị khác 

Các chiến lược khác có thể hữu ích bao gồm:

  • Nghỉ ngơi, thư giãn vào những ngày trước kỳ kinh nguyệt
  • Chia sẻ với bạn đời hoặc người thân tin cậy
  • Tìm những hoạt động thư giãn giúp giảm căng thẳng, như đọc sách, xem phim, đi dạo hoặc tắm gội

Nên liên hệ với nhân viên chăm sóc sức khỏe ngay nếu cho rằng mình đang trải qua các triệu chứng của Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD).

Vì các triệu chứng của PMDD có thể kéo dài, nên tìm kiếm điều trị càng sớm càng tốt.