Trầm Cảm: Khái niệm, Triệu chứng và Nguyên nhân

Trầm Cảm: Khái niệm, Triệu chứng và Nguyên nhân

HYPPO Clinic

Rối loạn Trầm cảm là gì? Bài viết này sẽ lần lượt điểm qua những điều bạn cần biết về Rối loạn Trầm cảm như khái niệm, chẩn đoán, nguyên nhân và các triệu chứng.

Trước hết, hãy làm quen với hai khái niệm trong tâm thần học là khí sắc (mood) và cảm xúc (affect). Khí sắc là trạng thái xúc cảm (emotional) kéo dài, bản thân mỗi người cảm nhận được, và nó xảy ra trong nhiều môi trường khác nhau, ví dụ như với người bệnh trầm cảm, họ sẽ luôn cảm thấy buồn dù là đi làm, đi chơi hay ở nhà. Trong khi đó, cảm xúc được biểu lộ ra bên ngoài, trong thời gian ngắn hay thay đổi tùy tình huống, vậy nên không phải lúc nào cảm xúc cũng phù hợp, cũng đúng với khí sắc. 

Khái niệm tâm thần học 

Theo phân loại hiện tại của DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder – Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), rối loạn khí sắc bao gồm hai nhóm chính là rối loạn trầm cảm chủ yếu và rối loạn lưỡng cực. Để chẩn đoán bất kì một rối loạn tâm thần nào nói chung và rối loạn trầm cảm chủ yếu nói riêng, đòi hỏi cần phải có một nhóm triệu chứng kéo dài trong một thời gian đủ dài để chẩn đoán và thường gây ảnh hưởng chức năng. 

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một rối loạn khí sắc gây cảm giác buồn và mất hứng thú trong thời gian dài. Bệnh ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi của người bệnh và có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác về tinh thần lẫn thể chất.

Những cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể gây khó khăn trong công việc, làm rạn nứt các mối quan hệ bạn bè hoặc trong gia đình và thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến ý định tự sát.

Những ai dễ mắc trầm cảm hơn?

Khoảng 10-15% dân số chung mắc trầm cảm ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời. 

Trầm cảm có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên khoảng 50% bệnh nhân mắc trầm cảm trong lứa tuổi từ 20-50 tuổi, trung bình 40 tuổi. Tần suất mắc ngày càng tăng ở các đối tượng dưới 20 tuổi, nguyên nhân có thể liên quan đến tính trạng lạm dụng rượu và chất ở nhóm tuổi này ngày càng tăng.

Tỉ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp 2 lần nam giới, thường gặp ở nhóm người có mối quan hệ xã hội kém hoặc độc thân, ly dị. 

Ngoài ra, một số yếu tố khác được xác định là làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, bao gồm:

  • Có tiền sử mắc các rối loạn lo âu, các rối loạn nhân cách hay rối loạn sau sang chấn.
  • Lạm dụng bia rượu hoặc chất kích thích trong thời gian dài
  • Mắc bệnh nặng hay bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường (đái tháo đường), bệnh tim mạch, bệnh lý thần kinh
  • Quanh thời kỳ mang thai và sinh con
  • Những sang chấn hay căng thẳng, như bị lạm dụng về thể xác và tình dục, mất đi người mà mình yêu thương, mối quan hệ khó khăn hay vấn đề về tài chính.
  • Có họ hàng ruột thịt mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hay có hành vi tự sát.

Nguyên nhân của trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một bệnh lý của não bộ, có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, các nguyên nhân của trầm cảm còn được nghiên cứu. Nhiều giả thiết đặt ra nguyên nhân của trầm cảm có thể bao gồm các yếu tố sau:

  • Di truyn: Các nghiên cứu tần suất bệnh trên nhiều gia đình, các cặp sinh đôi hoặc con nuôi chỉ ra rằng, tần suất bệnh liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Nếu có cha hoặc mẹ mắc trầm cảm, tỷ lệ mắc trầm cảm ở con sẽ khoảng 10-25%, nguy cơ sẽ tăng gấp đôi nếu cả cha và mẹ đều mắc trầm cảm. Càng nhiều thành viên trong gia đình mắc trầm cảm, nguy cơ sẽ càng cao hơn.
  • Cht dn truyn thn kinh: theo một số nghiên cứu, chất dẫn truyền thần kinh trong não người mắc bệnh trầm cảm có sự khác biệt so với người khỏe mạnh bình thường. Sự thiếu hụt của chất dẫn truyền serotonin được cho là một trong những nguyên nhân chính gây nên trầm cảm.
  • Stress: người thân yêu qua đời, những khó khăn trong mối quan hệ tình cảm hay bất cứ tình huống gây stress nào cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm.

Triệu chứng của trầm cảm

Trong rối loạn trầm cảm chủ yếu, các triệu chứng cần phải xuất hiện thường xuyên, liên tục ít nhất trong 2 tuần, trong thời gian này bắt buộc phải có khí sắc trầm buồn hoặc cảm giác mất hứng thú, không còn quan tâm, vui vẻ khi làm những hoạt động trước đây mình rất thích.

Một số người bệnh sẽ cảm thấy trống rỗng, vô vọng, lo lắng hoặc rất dễ cáu gắt đặc biệt là trẻ em hoặc các thanh thiếu niên. Một số trường hợp khác người bệnh không thể nhận biết được cảm xúc của mình, họ thường phủ nhận việc buồn, nhưng lại rất dễ xúc động, khi đó kết hợp với biểu hiện của nét mặt, vẻ bề ngoài mà các bác sĩ có thể chẩn đoán.

Cùng với một trong hai (hoặc cả hai) tiêu chuẩn trên cần có thêm các triệu chứng:

  1. Rối loạn giấc ngủ: một số bệnh nhân nói họ ngủ rất nhiều, không chỉ ban đêm mà còn cả ban ngày nữa, hơn 10 giờ mỗi ngày đêm. Ngược lại, có không ít bệnh nhân than phiền rằng họ rất khó để có được giấc ngủ ngon, ngủ không sâu, thức giấc nhiều lần và khó ngủ lại được.
  2. Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng: là một biểu hiện của bệnh, nhưng có thể khác nhau ở mỗi người, có bệnh nhân tăng cảm giác thèm ăn, nhưng phần đa là giảm cảm giác ngon miệng, không muốn ăn, về lâu sẽ dẫn đến tăng hoặc giảm cân nặng. 
  3. Cảm giác mệt mỏi: thường bệnh nhân mệt mỏi nhiều vào buổi sáng, bệnh nhân không muốn rời khỏi giường để dậy làm việc, triệu chứng sẽ đỡ hơn khi họ hoạt động nhiều, thế nên bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân trầm cảm vận động, tập thể dục hơn là nghỉ ngơi, nằm im trên giường.
  4. Khó tập trung/ ra quyết định: một trong những triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập của người bệnh là khó tập trung chú ý, thành ra người bệnh hay lơ đãng,hay quên, khó nhớ, khó ra quyết định trong các hoạt động thường ngày. 
  5. Ngoài ra, người bệnh hoạt động cũng chậm chạp hẳn đi, người khác nhìn vào có thể thấy họ đi đứng chậm chạp, hỏi phải mất một lúc bệnh nhân mới trả lời, họ chậm trong cả suy nghĩ. Trong khi đó, có những bệnh nhân lại không thể ngồi yên, đi đi lại lại, nhịp chân, tay xoắn vặn, chà da, kéo xoắn áo quần,… trông họ rất bứt rứt.
  6. Họ luôn có cảm giác tội lỗi, là gánh nặng cho những người thân, luôn bận tâm, suy nghĩ về những lỗi lầm nhỏ nhặt trong quá khứ, đôi khi triệu chứng này nặng đến mức trở thành hoang tưởng
  7. Triệu chứng cuối cùng, vô cùng quan trọng mà không một bác sĩ tâm thần nào được phép bỏ sót khi hỏi về trầm cảm đó là sự lặp lại thường xuyên các ý nghĩ tự sát, lên kế hoạch tự sát, và thử tự sát. Nếu có triệu chứng này, rối loạn trầm cảm của bạn đã được xếp ở mức độ nặng, và đây cũng là chỉ định nhập viện đối với bệnh này.

Khi nào bạn cần thăm khám với Bác sĩ?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chức năng của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bởi các chuyên gia. Khi có bất kì triệu chứng nào trong những triệu chứng trầm cảm nói trên, kéo dài trên 2 tuần, bạn nên tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần để được thăm khám, tư vấn và điều trị nếu cần.

Bệnh thường hay tái phát, sau giai đoạn bệnh đầu tiên, nếu đạt được lui bệnh xác suất để một người bị tái phát là 50%, sau giai đoạn thứ hai là khoảng 80%. Do đó việc chẩn đoán và điều trị cần tiến hành càng sớm càng tốt.

Đối với các trường hợp trầm cảm mức độ nhẹ, có thể được điều trị bằng các liệu pháp tâm lí. Tuy nhiên đối với trầm cảm mức độ trung bình trở lên, người bệnh cần được điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, phương pháp điều trị Trầm cảm không dùng thuốc là Kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS) cũng cho thấy mức độ hiệu quả cao trong điều trị trầm cảm. Việc điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Hi vọng những thông tin trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về trầm cảm. Đừng ngại liên hệ HYPPO nếu bạn cần sự giúp đỡ.

ThS. BSCKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm và đội ngũ bác sĩ tại HYPPO
đã có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và điều trị Trầm cảm

Nguồn tham khảo:

  1. Stahl, S. M. (2021). Stahl's essential psychopharmacology: neuroscientific basis and practical applications. Cambridge university press.
  2. Regier, D. A., Kuhl, E. A., & Kupfer, D. J. (2013). The DSM‐5: Classification and criteria changes. World psychiatry, 12(2), 92-98.
  3. (2020) WHO mortality database. In: World Health Organization. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/suicide