Người mắc tâm thần phân liệt có khả năng lao động hay không?

Người mắc tâm thần phân liệt có khả năng lao động hay không?

HYPPO Clinic

Bài viết này đề cập tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng đến công việc như thế nào. Đồng thời khám phá thêm những khó khăn và thách thức khi làm việc mà họ có thể đối mặt.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và thiếu sự hỗ trợ là những rào cản thực sự cho những người mắc tâm thần phân liệt có mong muốn được lao động. Các bằng chứng cho thấy đi làm có thể mang lại nhiều lợi ích cho những người có rối loạn tâm thần nghiêm trọng như tâm thần phân liệt.

Tìm hiểu tâm thần phân liệt là gì cùng ThS. BSCKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm:

Tâm thần phân liệt và những rào cản trong công việc 

Tâm thần phân liệt là một tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến các triệu chứng như hoang tưởng và ảo giác. Khi những triệu chứng này hiện diện, chúng có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng suy nghĩ rõ ràng, xử lý thực tế, hành xử phù hợp với các chuẩn mực xã hội của con người.

Làm việc có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần nói chung. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người mắc tâm thần phân liệt mà đang làm việc có thể ít tái phát các triệu chứng hơn. 

Theo nghiên cứu của tác giả Kamlesh K. Sahu (2015), có tới 90% người mắc tâm thần phân liệt muốn đi làm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10–25% trong số đó có việc làm. Một nghiên cứu khác cũng đề cập rằng tỉ lệ thất nghiệp của những người tâm thần phân liệt từ 80–90%.

Triệu chứng

Theo ước tính, cứ bốn người thì có 1 người phục hồi sau giai đoạn tâm thần phân liệt. Số còn lại sẽ có những triệu chứng kéo dài, một nửa trong số đó sẽ gặp những triệu chứng âm tính, bao gồm:

  • Cảm xúc phẳng lặng, tức là vô cảm
  • Mất hứng thú trong các hoạt động 
  • Thu rút xã hội 
  • Các vấn đề về tâm thần vận động, bao gồm chậm nói và giảm vận động
  • Giảm khả năng nói và tư duy
  • Thờ ơ

Nửa còn lại có thể gặp các triệu chứng dương tính mãn tính như hoang tưởng, ảo giác và các rối loạn tư duy.

Trung tâm phúc lợi cho người Khuyết Tật chỉ ra rằng khi các triệu chứng tâm thần phân liệt nghiêm trọng và trở nên khó kiểm soát, chúng có thể khiến một người khó thích nghi với môi trường làm việc.

Lao động chân tay

Theo trung tâm phúc lợi cho người Khuyết Tật, khả năng thực hiện công việc chân tay của một người phần lớn phụ thuộc vào khả năng thực hiện một số chức năng nhất định mà không cần sự trợ giúp. Những người cần được hỗ trợ nhiều sẽ ít có khả năng duy trì việc làm thu nhập cao.

Nó chỉ ra rằng mặc dù ảo giác không cản trở một người thực hiện các công việc chân tay như đẩy và nâng, nhưng việc gặp phải triệu chứng này có thể gây khó khăn cho việc phân biệt thực tế và phi thực tế. Điều này có thể khiến nhiều hình thức công việc chân tay trở nên nguy hiểm hơn.

Các triệu chứng loạn thần cũng có thể dẫn đến hành vi bất thường hoặc không phù hợp với xã hội, thiếu chú ý và tránh né người khác hoặc các tình huống liên quan. 

Một số người mắc tâm thần phân liệt có thể bị căng trương lực khiến họ không thể làm việc được.

Những lầm tưởng về bệnh tâm thần phân liệt của người sử dụng lao động và cộng đồng cũng có thể gây khó khăn cho  người mắc tâm thần phân liệt trong việc tìm kiếm hoặc giữ việc làm. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2016 của Margaret E. H. và cộng sự cho thấy một số người tin rằng người mắc tâm thần phân liệt không quan tâm hoặc không có khả năng làm việc hiệu quả, và đây là rào cản đáng kể đối với công việc của họ.

Tuy nhiên, trung tâm phúc lợi cho người khuyết tật chỉ ra rằng mức độ nghiêm trọng và cách xử lý triệu chứng ở mỗi người rất khác nhau và nhiều người có các triệu chứng tâm thần phân liệt có thể không gặp bất kỳ khó khăn nào khi thực hiện công việc chân tay.

Lao động trí óc

Một vài triệu chứng tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ rõ ràng của một người, như:

  • Sự chú ý 
  • Học tập 
  • Trí nhớ công việc  
  • Lý luận 
  • Khả năng thay đổi nhiệm vụ 
  • Tốc độ xử lý 
  • Chức năng điều hành: bao gồm xử lý vấn đề và phán đoán 

Trải qua những tác động nhận thức của tâm thần phân liệt  có thể khiến một người khó tập trung trong công việc và gây ra những khó khăn về công nghệ.

Bởi vì nhiều công việc yêu cầu người lao động ngồi yên một chỗ trong thời gian dài thường đòi hỏi sự tập trung cao, lao động trí óc thường khó khăn hơn so với lao động chân tay do nhiều người gặp khó khăn với sự tập trung.

Rối loạn tư duy hình thức, một triệu chứng khác của tâm thần phân liệt, cũng gây ra những rối loạn trong cách biểu hiện và tổ chức suy nghĩ.Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tạo lập và diễn đạt suy nghĩ logic bằng lời nói hoặc văn bản, gây khó khăn khi thực hiện các tình huống xã hội hoặc môi trường làm việc.

Những rào cản khác 

Ngoài các triệu chứng trên, họ còn đối diện với những rào cản khác trong môi trường làm việc.

Nghiên cứu cho thấy rằng sự tự kỳ thị liên quan đến tình trạng tâm thần có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ý chí tiếp tục làm việc của một người sau khi hồi phục. Sự tự kỳ thị này có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp hoặc cảm giác xấu hổ và tuyệt vọng. 

Các rào cản làm việc khác đối với người mắc tâm thần phân liệt bao gồm:

  • Sự phân biệt đối xử từ người sử dụng lao động 
  • Thiếu sự hỗ trợ từ môi trường làm việc 
  • Khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp và chăm sóc xuyên suốt quá trình phục hồi 

Một nghiên cứu năm 2020 của M. E. Hampson và cộng sự cho thấy sự kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc ảnh hưởng đáng kể đến những người mắc rối loạn tâm thần. Theo đó, họ có thể: 

  • Tránh làm việc 
  • Giữ bí mật về tình trạng sức khỏe tâm thần với chủ lao động
  • Gặp căng thẳng liên quan đến công việc 
  • Rời bỏ công việc chỉ sau một thời gian ngắn

Làm thế nào để quản lý công việc đối với tâm thần phân liệt 

Các chiến lược quản lý công việc khi đang sống chung với tâm thần phân liệt có thể bao gồm những điều sau:

Điều trị hiệu quả 

Các phương pháp điều trị cho tâm thần phân liệt có thể giúp giảm và cải thiện triệu chứng.

Các bác sĩ khuyên những người dùng thuốc nên tuân theo hướng dẫn về liều lượng và tiếp tục dùng thuốc theo toa ngay cả khi họ cảm thấy khỏe hơn. Tự ý ngừng thuốc là nguyên nhân phổ biến khiến các triệu chứng quay trở lại.

Tốt nhất nên hỏi bác sĩ về tương tác thuốc và các tác dụng phụ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến công việc của họ. Ví dụ, một số loại thuốc có thể làm buồn ngủ.

Các chuyên gia cũng khuyên rằng những người mắc tâm thần phân liệt nên tham gia trị liệu tâm lý hoặc sử dụng các dịch vụ tâm thần. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp một người tìm kiếm việc làm phù hợp.

Tích cực chăm sóc bản thân 

Người mắc tâm thần phân liệt có nguy cơ cao mắc các bệnh về thể chất.

Ăn uống theo một chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục hằng ngày có thể giúp giảm các nguy cơ mắc đái tháo đường và tim mạch.

Bỏ hút thuốc, nếu có 

Theo bài báo năm 2019, một người từng được chẩn đoán tâm thần phân liệt có khả năng hút thuốc cao gấp 3 lần và thuốc lá có thể làm tăng nặng các triệu chứng loạn thần.

Nó cũng có thể khiến người mắc tâm thần phân liệt gặp nhiều triệu chứng dương tính dữ dội hơn và chức năng nhận thức thấp hơn.

Tránh sử dụng ma túy và rượu 

Sử dụng rượu và ma túy là phổ biến ở những người mắc tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, rối loạn sử dụng rượu có thể dẫn đến kết quả tệ hơn cho các triệu chứng.

Việc sử dụng ma túy cũng có thể gây ra loạn thần và làm tình trạng xấu đi.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội và gia đình 

Các mối quan hệ hỗ trợ của gia đình, bạn bè và những người mắc tâm thần phân liệt hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác rất quan trọng. Từ đó, mọi người dễ dàng chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức liên quan đến công việc với nhau hơn.

Loại công việc phù hợp 

Cũng giống như những người khác, không có loại công việc cụ thể nào hoàn toàn phù hợp với người mắc bệnh này.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét các triệu chứng và các yếu tố khác, chẳng hạn như mức năng lượng, đồng hồ sinh học và thời gian di chuyển của họ, khi xác định liệu một công việc có phù hợp hay không. 

Những công việc mang lại sự linh hoạt có thể giúp mọi người thích nghi trong những ngày mà các triệu chứng khiến công việc trở nên khó khăn hơn. 

Mọi người cũng có thể cân nhắc việc tìm kiếm một công việc phù hợp với:

  • Trình độ học vấn và nghề nghiệp
  • Kinh nghiệm làm việc trước đây 
  • Sở thích 

Tốt nhất nên tập trung vào những công việc  làm tốt và cảm thấy thỏa mãn đồng thời tránh những vị trí có tính căng thẳng cao.

Người mắc tâm thần phân liệt có thể sống một cuộc sống “bình thường” với thuốc được không? 

Thuốc và các phương thức điều trị khác có thể giúp quản lý các triệu chứng tâm thần phân liệt, cho phép một người có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và hiệu quả.