![Tâm thần phân liệt có thể điều trị dứt điểm không?](/img-default.jpeg)
Tâm thần phân liệt có thể điều trị dứt điểm không?
Bài viết này sẽ giải thích liệu có cách điều trị khỏi bệnh tâm thần phân liệt hay không và các bác sĩ hiện đang sử dụng phương pháp điều trị nào. Bài viết cũng sẽ khám phá cách kiểm soát triệu chứng và chung sống với bệnh tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt là một tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra các triệu chứng như loạn thần, hoang tưởng, thay đổi hành vi và khó khăn trong tương tác xã hội. Hiện tại không có cách điều trị dứt điểm, nhưng các phương pháp điều trị có thể kiểm soát hiệu quả các triệu chứng.
Các liệu pháp và các lựa chọn chăm sóc hiệu quả có thể giúp những người mắc tâm thần phân liệt có cuộc sống lành mạnh và trọn vẹn. Các phương pháp điều trị thường bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc và thường kéo dài suốt đời. Một số người có thể cần hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày hoặc sự giúp đỡ liên tục từ chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới - World Health Organization (WHO), tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến 1/300 người trên toàn thế giới. Thống kê cho thấy ít nhất 1/3 người trong số này được điều trị hiệu quả.
Có cách điều trị dứt điểm tâm thần phân liệt không?
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - National Institute of Mental Health (NIMH), 0,25 đến 0,64% dân số Hoa Kỳ mắc tâm thần phân liệt. Mặc dù hiện tại không có cách điều trị dứt điểm tình trạng này, nhưng có nhiều phương pháp điều trị và lựa chọn chăm sóc có thể giúp người mắc tâm thần phân liệt có cuộc sống trọn vẹn.
Tâm thần phân liệt có thể khác nhau ở mỗi người. Trong khi một số người thấy rằng việc điều trị làm giảm tần suất các đợt cấp của tâm thần phân liệt, những người khác có thể thấy các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Cơ quan Sức khỏe Tâm thần Vương quốc Anh - Mental Health UK báo cáo số liệu thống kê sau đây liên quan đến những người đã điều trị tâm thần phân liệt:
- 1/10 số người trải qua quá trình phục hồi lâu dài
- 1/5 số người có cải thiện
- 1/2 số người kiểm soát tình trạng này như một căn bệnh mãn tính
Vì tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của một người nên việc hiểu được cách kiểm soát tình trạng bệnh là rất quan trọng.
Phục hồi và thuyên giảm triệu chứng
Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh - The United Kingdom’s National Health Service (NHS) tuyên bố rằng mặc dù nhiều người sẽ thỉnh thoảng gặp phải các triệu chứng tái phát, hầu hết mọi người đều hồi phục sau khi trải qua một đợt cấp tâm thần phân liệt. Việc phục hồi có thể bao gồm việc trải qua ít giai đoạn loạn thần hơn hoặc kiểm soát hiệu quả ảo giác.
NHS gợi ý rằng với các phương pháp điều trị và điều chỉnh lối sống, nếu cần, có thể gặp ít trường hợp triệu chứng quay trở lại hơn, mặc dù điều này có thể khác nhau ở mỗi người.
Theo các chuyên gia, quá trình phục hồi có thể bao gồm:
- Thuyên giảm triệu chứng
- Cải thiện các mối quan hệ và chức năng làm việc
- Sống tự lập
- Thay đổi thái độ, cảm nhận, mục tiêu và kỹ năng
- Có các triệu chứng đủ nhẹ để không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày
Điều trị tâm thần phân liệt
Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt có thể khác nhau ở mỗi người nhưng thường bao gồm sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý, thuốc và quản lý lối sống.
Thuốc
Thuốc điều trị tâm thần phân liệt thường nhằm mục đích điều trị loạn thần cấp, rối loạn hành vi và lo âu.
Những loại thuốc này được gọi là thuốc chống loạn thần, bao gồm:
- aripiprazole
- olanzapine
- risperidone
- quetiapine
- asenapine
- lurasidone
- sertindole
- ziprasidone
- brexpiprazole
- molindone
- iloperidone
Diazepam, clonazepam, và lorazepam có thể giúp điều trị các rối loạn hành vi.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý có thể bao gồm liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT), loại liệu pháp tâm lý chính được sử dụng cho tâm thần phân liệt.
CBT tập trung vào cách suy nghĩ, cảm nhận và thái độ có thể ảnh hưởng đến hành vi của một người. Nó có thể giúp mọi người điều chỉnh các mô hình suy nghĩ và hành vi khi cần thiết.
CBT có thể giúp mọi người:
- Học cách đối phó với các triệu chứng của loạn thần, chẳng hạn như ảo giác
- Quản lý các triệu chứng như lo âu và trầm cảm liên quan đến tâm thần phân liệt
- Quản lý căng thẳng
Bên cạnh liệu pháp tâm lý, NHS khuyến nghị mọi người nên làm việc với nhóm sức khỏe tâm thần cộng đồng để được hỗ trợ hàng ngày, đồng thời đảm bảo họ có được sự độc lập nhiều nhất có thể. Nhóm này có thể bao gồm nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần và nhân viên xã hội.
Triệu chứng của tâm thần phân liệt
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm tâm thần phân liệt nhưng kiểm soát các triệu chứng là bước đầu tiên để phục hồi.
Các triệu chứng thường xảy ra theo từng đợt và có thể phát triển thành những thay đổi dần dần về tâm trạng, hành vi và chức năng xã hội. Theo NIMH, các triệu chứng của tâm thần phân liệt được chia thành ba loại chính:
- Loạn thần: Loạn thần có thể thay đổi cách một người suy nghĩ hoặc hành xử. Họ có thể mất đi cảm giác về thực tế và trải qua những méo mó khiến họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa điều gì là thật và điều gì không.
- Âm tính: Các triệu chứng âm tính có thể bao gồm mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày thông thường hoặc khó có động lực. Một người gặp phải các triệu chứng này có thể nói bằng giọng trầm, vô cảm, biểu lộ biểu cảm khuôn mặt hạn chế hoặc, trong một số trường hợp hiếm hoi, bị mất trương lực cơ, khi họ ngừng di chuyển hoặc nói trong một thời gian.
Loạn thần có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng và bao gồm hoang tưởng, là những niềm tin bất thường không dựa trên thực tế, và ảo giác, trong đó một người nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có thật, chẳng hạn như đồ vật, người, ánh sáng hoặc giọng nói.
Nó cũng có thể bao gồm những suy nghĩ phi logic và rối loạn vận động, chẳng hạn như lặp lại một số chuyển động nhất định.
Tìm hiểu thêm về tâm thần phân liệt cùng ThS. BSCKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm:
Trầm cảm và tâm thần phân liệt
Theo NHS, nhiều người mắc tâm thần phân liệt trải qua giai đoạn trầm cảm, làm tăng nguy cơ tự tử. Nhận biết trầm cảm và báo cáo bất kỳ ý định tự tử nào mà một người có thể có là điều quan trọng.
Người trải qua tình trạng này có thể nói về cái chết hoặc tự tử hoặc có những hành vi sau:
- Tự làm hại bản thân
- Cho đi tài sản
- Ký di chúc
Họ cũng có thể đột nhiên cảm thấy tâm trạng tốt hơn sau khi quyết định kết thúc cuộc sống.
Tâm thần phân liệt không được điều trị
Nếu không được điều trị, các triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Một nghiên cứu theo dõi kéo dài 14 năm của Ran M.S., Weng X. và cộng sự với hơn 120.000 người mắc bệnh tâm thần phân liệt ở vùng nông thôn Trung Quốc được công bố vào năm 2015 cho thấy những người không dùng thuốc chống loạn thần có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng là chìa khóa cho việc điều trị và phục hồi.
Sống chung với tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt không nhất thiết phải là một tình trạng suy nhược. Với việc điều trị, một người có thể kiểm soát được tác động của các triệu chứng lên cuộc sống của họ. Thực hành tự chăm sóc cũng có thể quan trọng trong việc giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của một người.
Tự chăm sóc có thể bao gồm:
- Tập trung vào việc duy trì sức khỏe tốt, cả về tinh thần và thể chất
- Cẩn thận và chú ý đến nhu cầu của bản thân và tránh bệnh tật hoặc tai nạn
- Có mối quan hệ tốt với nhóm sức khỏe tâm thần cộng đồng
- Tránh sử dụng ma túy, rượu và thuốc lá
Việc nhận biết các dấu hiệu của giai đoạn sắp xảy ra (an oncoming episode) hoặc sự căng thẳng về tinh thần, chẳng hạn như gặp khó khăn khi ngủ hoặc các triệu chứng của trầm cảm hoặc lo âu cũng có thể hữu ích.
NHS tuyên bố rằng các triệu chứng ban đầu khác của đợt cấp tâm thần phân liệt sắp xảy ra có thể bao gồm:
- Cảm thấy nghi ngờ hoặc lo lắng quá mức về người khác và động cơ của họ
- Thỉnh thoảng nghe thấy những giọng nói không có thật, thậm chí là rất nhỏ
- Khó tập trung
Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có thể đóng vai trò giúp một người kiểm soát tâm thần phân liệt, vì họ có thể nhận thức được những thay đổi trong trạng thái tinh thần của người bệnh, điều này có thể chỉ ra một giai đoạn tiềm ẩn. Họ cũng có thể giúp nhắc nhở người bệnh uống thuốc và tham gia các buổi trị liệu, nếu cần.
Tóm lại
Mặc dù hiện tại không có cách điều trị dứt điểm tâm thần phân liệt, nhưng người mắc bệnh này có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh, trọn vẹn với phương pháp điều trị phù hợp.
Điều này có thể bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý và sử dụng nhóm sức khỏe tâm thần cộng đồng để đảm bảo người đó có mức hỗ trợ phù hợp.
NGƯỜI LỚN
- Trầm cảm và suy giảm trí nhớ có liên hệ với nhau không?
- Nhận biết những dấu hiệu tiềm ẩn của trầm cảm
- Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD)
- Những điều cần biết về Mộng du
- Người mắc tâm thần phân liệt có khả năng lao động hay không?
- Trầm cảm trong Thai kỳ
- Thuốc chống Loạn thần là gì?
- Rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học là gì?
- Tất cả những điều cần biết về Kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS)