Loạn thần là gì?

Loạn thần là gì?

HYPPO Clinic

Bài viết này tìm hiểu về loạn thần là gì, bao gồm nguyên nhân gây ra và các phương pháp điều trị.

Loạn thần là gì?

Loạn thần ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của một người. Nó làm thay đổi cách họ xử lý thông tin, khó khăn trong việc xác định thật giả. 

Những người mắc loạn thần có thể nghe, nhìn, ngửi, nếm hoặc cảm giác những thứ không có ở đó. Họ cũng có những niềm tin mạnh mẽ hoặc những ý nghĩ kì lạ như có ai đó hãm hại họ hoặc có ai đó theo dõi họ dù thực tế không phải vậy.

Loạn thần khiến một người cảm giác hoặc xuất hiện có vẻ như thật. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các Rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5)  báo cáo rằng một người có thể không nhận thức được rằng họ đang có rối loạn tâm thần. Điều này có thể làm họ choáng ngợp và bối rối.

Đôi khi các triệu chứng có thể khiến người mắc tự làm hại mình. Trong một vài trường hợp hiếm, họ có thể gây tổn thương đến người khác.

Loạn thần có thể là một trong những triệu chứng chính của tâm thần phân liệt và các loạn thần khác. Theo DSM-5, nó cũng đồng thời xảy ra với nhiều rối loạn khí sắc và rối loạn sử dụng chất.

Triệu chứng 

Tùy vào nguyên nhân, loạn thần có thể xuất hiện nhanh hoặc gây ra những thay đổi chậm, dần dần thay đổi nhận thức và suy nghĩ của con người.

Trong nhiều trường hợp, khi xuất hiện các triệu chứng có thể nhẹ nhưng dần theo thời gian những triệu chứng này trở nên dữ dội hơn. Loạn thần bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau nhưng thường là liên quan đến một hay nhiều sự kiện quan trọng.

Cùng tìm hiểu thêm về các dấu hiệu sớm của loạn thần và chi tiết hai dạng triệu chứng phổ biến dưới đây.

Dấu hiệu sớm 

Loạn thần sớm hoặc giai đoạn loạn thần đầu tiên (FEP) là giai đoạn khi một người lần đầu tiên có loạn thần. Các triệu chứng có thể khó phân biệt với các hành vi điển hình bao gồm:

  • Sự sụt giảm đáng kể trong hiệu suất công việc và học tập 
  • Khó tập trung hoặc suy nghĩ rõ ràng 
  • Khó chịu hoặc nghi ngờ người khác 
  • Thiếu thốn các cảm xúc hoặc có những cảm xúc quá mạnh mẽ, không phù hợp
  • Thoái lui xã hội 
  • Sụt giảm đột ngột khả năng tự chăm sóc và vệ sinh cá nhân 

DSM-5 chỉ ra rằng loạn thần liên quan đến sự bất thường ở các khía cạnh sau:

  • Ảo giác: trải nghiệm mà cá nhân cho là có thật dù thiếu những tác nhân kích thích để gây ra chúng.
  • Hoang tưởng: niềm tin sai lệch mà cá nhân luôn tin dù thiếu bằng chứng trong thực tế
  • Suy nghĩ vô tổ chức: có những suy nghĩ không hợp lý, không liên quan, thiếu kết nối. Tiến trình suy nghĩ có thể đi ngoài chủ đề đang nói. Lời nói tối nghĩa và lộn xộn.
  • Căng trương lực: không phản ứng lại với các kích thích (tiêu cực), xuất hiện các chuyển động hoặc hoạt động thiếu mục đích (phấn khích căng trương lực).
  • Hành vi vô tổ chức: có các phản ứng cảm xúc không dự đoán trước hoặc không phù hợp trong các tình huống.
  • Triệu chứng tiêu cực: suy giảm cảm xúc, lời nói, chuyển động hoặc động lực (mất hứng thú).

Ảo giác 

Ảo giác có thể khiến một người nhìn, nghe, ngửi, cảm nhận điều gì đó không tồn tại. Trong số đó, ảo thanh là dạng ảo giác phổ biến nhất.

Một người có ảo thanh nghe và tin chúng có thật dù cho những điều đó không tồn tại.

Một cá nhân có thể nghe những âm thanh không mạch lạc hoặc những giọng nói khác biệt. Họ có thể cảm nhận chúng qua tai ở bất kỳ đâu hoặc ở trong tâm trí họ.

Việc nghe những âm thanh này có thể gây căng thẳng, đặc biệt là khi chúng có tính ra lệnh, xúc phạm, gây ám ảnh hoặc đe dọa. Nghe những âm thanh này lâu dài có thể ảnh hưởng đến hành động của cá nhân và khiến họ gây tổn thương cho chính mình hoặc người khác. Ngoài ra cũng có thể làm họ có ý định tự tử.

Hoang tưởng

Một người có thể trải qua hoang tưởng trong giai đoạn loạn thần. Những loại hoang tưởng thường gặp nhất là:

  • Hoang tưởng được yêu: tin rằng người khác đang yêu họ.
  • Hoang tưởng tự cao tin rằng mình có quyền lực hoặc sức mạnh đặc biệt.
  • Hoang tưởng phát thanh suy nghĩ (Thought broadcasting): tin rằng mình đang phát sóng suy nghĩ của mình và mọi người có thể nghe được nó.

Người có loạn thần cũng có thể trải qua:

  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Thoái lui xã hội 
  • Thiếu động lực 
  • Khó khăn chức năng chung 
  • Khó tập trung 
  • Vấn đề về giấc ngủ

Phân loại loạn thần

Cùng tìm hiểu về tâm thần phân liệt với ThS. BSCKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm:

Ngoài tâm thần phân liệt, các rối loạn khác cũng có thể dẫn đến loạn thần. Theo DSM-5, chúng bao gồm:

  • Rối loạn phân liệt cảm xúc: rối loạn này có điểm tương đồng với tâm thần phân liệt nhưng bao gồm các giai đoạn rối loạn khí sắc.
  • Rối loạn loạn thần ngắn: các triệu chứng xảy ra để phản ứng với một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, kéo dài dưới 1 tháng và không quay lại.
  • Rối loạn hoang tưởng: một người tin tưởng mạnh mẽ vào điều gì đó phi lý và thường kỳ quái, không có cơ sở thực tế.
  • Loạn thần lưỡng cực: những người mắc rối loạn lưỡng cực cũng trải qua loạn thần khi tâm trạng rất cao hoặc rất thấp.
  • Trầm cảm lâm sàng: còn được biết tới là rối loạn trầm cảm nặng với một vài đặc điểm loạn thần.
  • Loạn thần sau sinh: loại rối loạn này có thể xuất hiện sau khi sinh con.
  • Loạn thần do lạm dụng chất: việc lạm dụng rượu, chất và một số loại thuốc theo toa có thể gây ra tình trạng này.

Loạn thần cũng có thể là hệ quả của các rối loạn khác, như:

  • U não hoặc u nang
  • Mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer
  • Các tình trạng thần kinh như Parkinson và Huntington
  • HIV và các bệnh nhiễm trùng khác có thể ảnh hưởng đến não bộ
  • Động kinh 
  • Sốt rét 
  • Bệnh giang mai
  • Đột quỵ 
  • Lượng đường trong máu thấp 
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Stress

Nguyên nhân của loạn thần 

Loạn thần có thể xảy ra tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Các nghiên cứu cho thấy sự kết hợp của các yếu tố di truyền và điều kiện môi trường có thể dẫn đến loạn thần. Một số điều kiện môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng loạn thần, đó là:

  • Nhiễm trùng khi mang thai và biến chứng sản khoa 
  • Căng thẳng khi mang thai của mẹ và suy dinh dưỡng 
  • Lạm dụng trẻ em
  • Chấn thương đầu trong thời thơ ấu
  • Di cư 
  • Lạm dụng chất 

Các nguyên nhân khác bao gồm: 

  • Sự thay đổi của não bộ 
  • Lạm dụng rượu và chất kích thích
  • Tình trạng sức khỏe chung 
  • Một số tình trạng tâm thần và thần kinh 
  • Một số loại thuốc theo toa 
  • Hormone giới tính
  • Thiếu ngủ

Các sự kiện gây sang chấn như chiến tranh, tấn công tình dục hoặc chết cũng có thể gây ra một giai đoạn loạn thần.

Điều gì đang xảy ra trong não bộ?

Cơ chế gây loạn thần vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mất cân bằng các chất hóa học trong não bộ

Các triệu chứng của loạn thần được kiểm chứng có liên quan đến sự dư thừa dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng), cũng như giảm hoạt động của các thụ thể glutamate (một chất dẫn truyền thần kinh khác).

Nhiều nghiên cứu cũng báo cáo rằng sự mất cân bằng trong hoạt động của các axit gamma-aminobutyric acid (GABA) và acetylcholine.

Điều trị loạn thần 

Bất cứ ai mắc loạn thần đều cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Kế hoạch điều trị có thể cung cấp sự hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn.

Thuốc chống loạn thần 

Thuốc chống loạn thần là phương pháp điều trị chính.

Thuốc chống loạn thần có thể giảm các triệu chứng loạn thần ở người có rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, chúng không hỗ trợ điều trị hoặc chữa khỏi các tình trạng cơ bản.

Các loại thuốc có thể được sử dụng như: 

  • haloperidol (Haldol)
  • chlorpromazine (Thorazine)
  • clozapine (Clozaril)

Một người chỉ sử dụng những loại thuốc này dưới sự giám sát của bác sĩ vì chúng có thể có tác dụng phụ.

Bác sĩ cũng sẽ điều trị các tình trạng tiềm ẩn có nguy cơ gây loạn thần. Nếu có thể, sự hỗ trợ của gia đình cũng giúp ích rất nhiều cho việc điều trị.

Các giai đoạn cấp tính và duy trì của tâm thần phân liệt 

Đối với tâm thần phân liệt, có hai giai đoạn điều trị bằng thuốc chống loạn thần:

Giai đoạn cấp tính 

Trong giai đoạn cấp tính của tâm thần phân liệt, người bệnh có thể cần phải ở lại bệnh viện để nhận sự chăm sóc y tế.

Đôi khi, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc an thần, những loại thuốc này có tác dụng nhanh, giúp họ thư giãn để đảm bảo họ không làm hại bản thân hoặc người khác.

Giai đoạn duy trì

Trong giai đoạn này, người bệnh có thể không cần ở lại bệnh viện nhưng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ kê đơn thuốc chống loạn thần để ngăn ngừa các đợt tái phát tiếp theo. Việc dừng thuốc có thể dẫn đến tái phát.

Can thiệp tâm lý trị liệu bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và tham vấn tâm lý cũng có thể hỗ trợ người mắc tâm thần phân liệt và các loại rối loạn loạn thần khác.