Rối loạn Lo âu và Những Triệu chứng Cơ thể không ngờ đến

Rối loạn Lo âu và Những Triệu chứng Cơ thể không ngờ đến

HYPPO Clinic

Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến cơ thể nhiều hơn chúng ta nghĩ, nhất là những triệu chứng về cơ thể. Bài viết này sẽ tìm hiểu về các triệu chứng cơ thể gây ra bởi rối loạn lo âu và lý giải vì sao chúng xuất hiện.

Lo âu ở mức độ vừa phải là một phần bản năng sinh tồn của con người. Khi chúng ta gặp phải một sự nguy hiểm hay khó khăn, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng để giúp tập trung và thúc đẩy hành động.

Tuy nhiên, khi sự lo âu trở nên thường xuyên hoặc quá mức trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi không có mối đe dọa nào và ngày càng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì đây có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu.

Rối loạn Lo âu là gì?

Lo  âu là phản ứng của cơ thể trước một tình huống căng thẳng, chẳng hạn như tham dự một sự kiện quan trọng hoặc phát biểu trước đám đông. Việc cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi trong những trường hợp này là điều bình thường.

Tuy nhiên, một số cá nhân có thể trải nghiệm những cảm xúc này trong những tình huống không gây căng thẳng.  Họ có thể cảm thấy lo lắng cực độ và choáng ngợp, điều này có thể dẫn đến cơn hoảng loạn và những nỗi sợ hãi không phù hợp. Đây có thể là rối loạn lo âu.

Rối loạn phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.

Tìm hiểu thêm về Rối loạn lo âu cùng BSCKI. Nguyễn Thị Nhẫn:

Các Rối loạn liên quan đến Lo âu

  • Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): đặc trưng bởi nỗi lo lắng kéo dài, quá mức và thường trực về mọi vấn đề trong cuộc sống. Khác với lo âu thông thường, người mắc hội chứng này gần như không thể kiểm soát nỗi lo của bản thân. Nỗi lo có đặc tính kéo dài, mơ hồ và lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. 
  • Rối loạn Ám ảnh - Cưỡng chế (OCD): OCD là một rối loạn đặc trưng bởi những suy nghĩ phi lý lặp đi lặp lại gây ra lo âu khiến cho cá nhân phải liên tục thực hiện một hành vi theo một cách cụ thể nhằm xoa dịu nỗi lo đó.
  • Rối loạn hoảng loạn: Những người mắc rối loạn hoảng loạn sẽ có những cơn hoảng loạn thường xuyên và đột ngột bao gồm sự sợ hãi và lo lắng dữ dội và những triệu chứng cơ thể như khó thở, tim đập nhanh, tăng huyết áp,...
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Những cá nhân trải qua một sự kiện sang chấn có thể mắc phải PTSD. PTSD bao gồm những hồi tưởng, ác mộng, những luồng suy nghĩ không thể kiểm soát và sự lo âu nghiêm trọng.
  • Rối loạn lo âu bệnh tật: Một người có thể mắc rối loạn lo âu bệnh tật khi họ quá lo lắng về sức khỏe của mình, luôn cho rằng  mình mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y hay chứng bệnh lạ mặc dù đã đi thăm khám và cho ra kết quả bình thường.
  •  Sợ chuyên biệt: Người mắc chứng sợ chuyên biệt trải qua nỗi sợ cực độ do một tình huống, hoạt động, đồ vật hoặc sự kiện cụ thể.
  • Rối loạn lo âu xã hội: Rối loạn này ảnh hưởng đến cá nhân trước và trong những tình huống xã hội cần phải tương tác với người khác bởi nó tạo ra một nỗi sợ tột độ.

Rối loạn Lo âu ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

Mặc dù rối loạn lo âu được xem là một tình trạng sức khỏe tâm thần nhưng rối loạn lo âu có thể gây ra các phản ứng về cơ thể.

Ngoài nỗi sợ, lo lắng và đau khổ, một người mắc rối loạn lo âu cũng có thể gặp phải những triệu chứng cơ thể như:

  • Khô miệng
  • Choáng váng, cảm giác ngất xỉu
  • Bị bốc hỏa hoặc ớn lạnh
  • Bồn chồn
  • Hụt hơi, thở gấp
  • Đổ mồ hôi
  • Ngứa ran hoặc tê tay chân
  • Tăng nhịp tim
  • Run
  • Buồn nôn
  • Các vấn đề về tiêu hóa, như táo bón, tiêu chảy hoặc khó tiêu
  • Thay đổi khẩu vị

Cơn hoảng loạn cũng có thể xuất hiện đột ngột. Trong một cơn hoảng loạn, cá nhân có thể cảm thấy họ đang ở trong nguy hiểm tột độ và bị mất kiểm soát. Cơn hoảng loạn có thể mang lại nhiều triệu chứng cơ thể nghiêm trọng, nhiều người có thể cảm thấy như mình đang lên cơn đau tim.

Một số triệu chứng của cơn hoảng loạn bao gồm:

  • Đau tức ngực
  • Ớn lạnh
  • Khó thở
  • cảm giác nghẹt thở
  • Vã mồ hôi
  • Tăng nhịp tim
  • Choáng váng, buồn nôn
  • Cảm thấy cái chết cận kề
  • Nóng bừng
  • Thở nhanh và mạnh
  • Tê và ngứa tay chân
  • Run rẩy
  • Đau  dạ dày
  • Lạnh tay chân
  • Cảm giác tách rời khỏi chính mình
  • Mờ mắt

Vì sao cơ thể phản ứng với rối loạn lo âu?

Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có thể gây ra các cơn hoảng loạn. Tuy nhiên, các cơn hoảng loạn không phải lúc nào cũng xuất phát từ nguyên nhân rõ ràng.

Các triệu chứng thực thể của cơn hoảng loạn là do phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy (fight-or-flight) của cơ thể, tạo ra sự sợ hãi và lo lắng.

Trong phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy (fight-or-flight), những phản ứng về cơ thể có thể xuất hiện là giống nhau, cho dù mối nguy hiểm có thật hay không.  Ví dụ, nhịp tim và nhịp thở tăng, lượng adrenaline tăng vọt và các giác quan cảnh giác cao độ. Cơ thể lúc này phản ứng nhằm chuẩn bị chống lại hoặc chạy trốn khỏi mối nguy hiểm. Sự gia tăng lưu lượng máu giúp cho cơ bắp chạy khỏi nguy hiểm,cho phép não tập trung và đưa ra quyết định nhanh chóng. Thở nhanh cung cấp cho cơ thể nhiều oxy hơn, sẵn sàng trốn thoát.

Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể làm cho cá nhân cảm thấy thiếu không khí, không thở được, từ đó làm cho cảm giác hoảng loạn tăng lên.

Những ảnh hưởng lâu dài

Rối loạn lo âu có thể khiến người ta tránh né những tình huống mà họ biết là sẽ đem lại những cảm xúc tiêu cực. Những người mắc rối loạn lo âu thường cảm thấy mặc cảm và xấu hổ vì không thể sống cuộc sống “bình thường” như những người khác. Điều này dễ làm cho họ tách biệt và thu rút khỏi các mối quan hệ xã hội.

Mắc phải rối loạn lo âu, một người có thể bước vào một vòng lặp từ nỗi sợ này đến nỗi lo khác, nghĩa là nỗi sợ lên một cơn hoảng loạn sẽ thực sự khiến cho họ dễ lên cơn hoảng loạn hơn.

Nếu mắc rối loạn lo âu mãn tính, cá nhân sẽ luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, khó cảm thấy thư giãn. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, tiêu hóa, miễn dịch và hô hấp.

Liệu tôi có mắc Rối loạn Lo âu?

Nếu nghi ngờ rằng bản thân mắc phải rối loạn lo âu hay có những cơn hoảng loạn, cá nhân cần phải thăm khám với bác sĩ. Bác sĩ sẽ thăm khám và loại trừ khả năng xảy ra các tình trạng và nguyên nhân thực thể khác, chẳng hạn như:

  • Sa van hai lá (mitral valve prolapse)
  • Cường giáp 
  • Hạ đường huyết 
  • Sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như amphetamine, cocaine hoặc caffeine
  • Hội chứng cai thuốc

Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi thêm thông tin về:

  • Bệnh sử cá nhân
  • Những triệu chứng hiện tại
  • Các thuốc đang sử dụng
  • Các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tâm thần

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị.

Quản lí các triệu chứng Rối loạn Lo âu

Rối loạn lo âu có thể được điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu hay phương pháp kích thích từ trường (rTMS).

Thuốc

Thuốc có thể giúp quản lý những triệu chứng một cách hiệu quả và ngăn các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống. Sử dụng loại thuốc nào sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên triệu chứng của cá nhân và mức độ nghiêm trọng của lo âu.

Một nhóm thuốc mà các bác sĩ có thể kê đơn để điều trị chứng rối loạn lo âu, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn hoảng loạn là benzodiazepin, ví dụ bao gồm alprazolam và diazepam. Benzodiazepin hoạt động như thuốc an thần và có tác dụng làm chậm các chức năng cơ thể. Benzodiazepin là phương pháp điều trị lo âu ngắn hạn vì thuốc có khả năng gây nghiện nếu sử dụng lâu dài.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc (SNRI) là các thuốc chính điều trị rối loạn lo âu dù được biết đến là thuốc chống trầm cảm. 

Một số thuốc SSRIs có thể được kê đơn là:

  • Citalopram 
  • Escitalopram 
  • Fluoxetine 
  • Sertraline
  • Paroxetine 

Một số thuốc SNRI có thể được kê đơn là: Venlafaxine, Duloxetine

Các thuốc khác như pregabalin, gabapentine, buspiron cũng có thể được kê để điều trị rối loạn lo âu.

Thuốc chẹn beta như propranolol là một loại thuốc khác có thể giúp làm giảm nhịp tim trong điều trị rối loạn lo âu. 

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là một hình thức điều trị hiệu quả cho nhiều chứng rối loạn lo âu. Các lựa chọn bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy).

CBT có thể giúp cá nhân tiếp cận và tập trung vào nỗi sợ hãi một cách thực tế, từ đó phát triển những cách thức phù hợp để vượt qua nỗi sợ hãi.

Liệu pháp phơi nhiễm cho phép bệnh nhân trải nghiệm sự hoảng loạn và lo lắng trong một môi trường an toàn, được kiểm soát để có thể học cách đối phó với nó.

Kích thích từ trường (rTMS)

Kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation, viết tắt là TMS) là phương pháp kích thích não bộ “không xâm lấn”, không giải phẫu, sử dụng xung điện từ dưới dạng sóng ngắn để tác động lên các tế bào thần kinh giúp kích hoạt một số vùng nhất định trong não để giúp điều trị các tình trạng như trầm cảm và lo âu.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những bệnh nhân mắc rối loạn lo âu sau khi thực hiện TMS thì giảm các triệu chứng sau:

  • Sự bồn chồn
  • Vấn đề về giấc ngủ
  • Vấn đề về sự tập trung
  • Cáu gắt
  • Tiểu tiện thường xuyên
  • Hụt hơi, khó thở
  • Mờ mắt
  • Căng cơ
  • Vã mồ hôi
  • Vấn đề tiêu hóa
  • Nhức đầu
  • Tăng huyết áp

Liệu pháp rTMS được ghi nhận là mang lại hiệu quả điều trị cao trong việc điều trị các triệu chứng rối loạn lo âu.

Hình ảnh ThS. BSCKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm thực hiện rTMS cho bệnh nhân