ADHD ở bé trai

ADHD ở bé trai

HYPPO Clinic

Cùng đọc tiếp để tìm hiểu thêm về ADHD ở bé trai và sự khác biệt ở tình trạng này đối với bé gái. Bài viết này cũng đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp và cách để giúp cha mẹ và người chăm sóc quản lý tình trạng này ở trẻ.

Các bác sĩ chẩn đoán Rối loạn tăng động - giảm chú ý (ADHD) phổ biến ở bé trai hơn bé gái. Trên thực tế, số bé trai được chẩn đoán ADHD nhiều gấp 3 lần so với bé gái. Trẻ em ở độ tuổi đi học thường được chẩn đoán khi chúng trở nên quậy phá trong lớp học.

Bé trai được chẩn đoán ADHD có thể bồn chồn, bốc đồng và hiếu động hơn so với các bạn cùng lứa. Chúng cũng có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, khó ngồi yên trong lớp học hoặc chậm trễ trong học tập.

Tìm hiểu chung về ADHD cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương:

ADHD ở bé trai khác với bé gái như thế nào?

Các bác sĩ thường chẩn đoán và điều trị ADHD ở bé trai nhiều hơn bé gái bởi vì các triệu chứng ở bé trai có thể dễ nhận thấy và làm người khác mất tập trung. 

Các hành vi bên ngoài liên quan đến ADHD thường phổ biến ở các bé trai trong độ tuổi đi học so với các hành vi bên trong nội tâm thường gặp ở các bé gái. Do đó các nhà chuyên môn nhiều khả năng xem các hành vi hiếu động trong lớp học là ADHD ở các bé trai. Đây là một dạng sai lệch tự nhiên trong chẩn đoán. Trên thực tế số bé trai được chẩn đoán ADHD so với số bé gái là 3:1 và có thể cao đến 9:1 ở một số vùng dân cư khác.

So với bé trai, các bé gái mắc ADHD thường có ít các triệu chứng tăng động, bốc đồng và có nhiều triệu chứng giảm chú ý chú ý hơn. Vì thế, những bé gái mắc ADHD khi bị phân tâm sẽ ít quậy phá hơn. Điều này đặc biệt rõ ràng hơn trong giờ học khi ADHD dễ được nhận thấy. Do đó các giáo viên có xu hướng giới thiệu các bé trai đi điều trị ADHD thường xuyên hơn các bé gái vì hành vi của các bé trai có thể làm gián đoạn đáng kể đến quá trình học tập.

Một số nghiên cứu cho rằng vì ADHD không biểu hiện rõ ràng ở các bé gái nên chúng thường không được chẩn đoán dù có thể đã mắc. Người lớn và bạn cùng lứa đôi khi có thể xem những bé gái có triệu chứng tăng động - bốc đồng là quá xúc động, tự cao hoặc nói quá nhiều. Ngoài ra, các bé gái cũng thường cố gắng che giấu những triệu chứng của mình.

Dấu hiệu và triệu chứng 

ADHD là một trong những tình trạng tâm thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em. Đặc điểm xác định của nó có thể bao gồm hiếu động thái quá, thiếu chú ý và bốc đồng.  

Những trẻ được chẩn đoán ADHD thường có xu hướng kết hợp những triệu chứng sau:

  • Mắc lỗi trong các hoạt động như bài tập về nhà
  • Không thích hoặc trốn tránh những nhiệm vụ đòi hỏi một nỗ lực tinh thần kéo dài 
  • Không lắng nghe khi đang nói chuyện trực tiếp
  • Quên các hoạt động thường ngày 
  • Không làm theo hướng dẫn 
  • Khó duy trì sự chú ý 
  • Thường xuyên mất đồ 
  • Dễ bị phân tâm 
  • Khó khăn khi sắp xếp các nhiệm vụ và hoạt động 

Một số triệu chứng của tăng động và bốc đồng bao gồm: 

  • Bồn chồn khi ngồi 
  • Khó khăn khi chờ đến lượt 
  • Ngắt lời khi người khác đang nói 
  • Không có khả năng chơi một cách yên tĩnh
  • Cảm thấy khó khăn khi ngồi yên 
  • Chạy hoặc leo trèo trong những tình huống không phù hợp 
  • Liên tục di chuyển 
  • Nói không ngừng nghỉ 

Tuy nhiên, những hành vi này không chỉ là triệu chứng của ADHD. Điều này làm cho việc đưa ra chuẩn đoán chính xác trở nên khó khăn hơn.

Khả năng tự điều chỉnh thường bị suy giảm ở những người mắc ADHD. Tự điều chỉnh liên quan đến việc một người có thể quản lý và kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình theo cách phù hợp trong những tình huống nhất định.  

Một vài khía cạnh của khả năng tự điều chỉnh bao gồm: bình tĩnh lại khi buồn phiền, xử lý sự thất vọng mà không bộc phát, chống lại những phản ứng mang tính cao trào trước những kích thích gây khó chịu và điều chỉnh theo những thay đổi trong kỳ vọng.

Lợi ích của ADHD ở bé trai

Mặc dù ADHD đi kèm với nhiều thách thức nhưng cũng có thể nảy sinh một số lợi ích và điểm mạnh tiềm ẩn. 

Ví dụ, những cậu bé mắc ADHD có thể sáng tạo hơn đặc biệt là khi hoàn thành một hoạt động có mục tiêu.

Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà nghiên cứu đã mời 71 người trưởng thành mắc ADHD và 36 người tham gia đối chứng, họ phát hiện rằng cả hai nhóm tạo ra được số lượng ý tưởng tương tự nhau khi hoàn thành một nhiệm vụ, không có sự khác biệt về tính sáng tạo dù cho họ được chẩn đoán ADHD.

Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu thông báo cho những người tham gia về một phần thưởng tiềm năng, những người có ADHD có nhiều ý tưởng hơn những người trong nhóm đối chứng. 

Các nhà nghiên cứu không hoàn toàn chắc chắn về những cơ chế liên quan. Tuy nhiên những phát hiện này cho thấy những người mắc ADHD có thể hoạt động tốt hơn so với những người cùng lứa tuổi khi họ nỗ lực hướng tới cùng một mục tiêu - đặc biệt nếu họ theo đuổi lĩnh vực phù hợp với kỹ năng và sở thích.

Mặc dù nghiên cứu này chỉ có sự tham gia của người trưởng thành nhưng thật hợp lý khi mong đợi những phát hiện tương tự ở trẻ. Điều đó nói lên rằng, những người trưởng thành tham gia có thể đã phải phát triển những kỹ năng này trong các giai đoạn phát triển nhận thức sau này để bù đắp cho những khó khăn trong học tập ở thời thơ ấu. 

Một số lợi ích tiềm ẩn khác khi mắc ADHD bao gồm:

  • Tính ngẫu hứng
  • Lòng can đảm 
  • Năng lượng cao
  • Kỹ năng đối thoại

Điều trị 

Hai phương thức điều trị chính cho ADHD là liệu pháp hành vi và sử dụng thuốc.


Học viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến khích bất kì cha mẹ nào có con dưới 6 tuổi có chẩn đoán ADHD nên được đào tạo những chương trình quản lý hành vi dành cho cha mẹ trước khi con của họ nhận bất kỳ hình thức điều trị nào khác.


Nếu trẻ trên 6 tuổi, trẻ nên được điều trị kết hợp bao gồm dùng thuốc và liệu pháp hành vi. 


AAP cũng đề xuất trường học có sự hỗ trợ và các biện pháp can thiệp trong lớp học dành cho những học sinh được chẩn đoán ADHD.

Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi giúp trẻ mắc ADHD kiểm soát những hành vi có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ với người khác. Hình thức can thiệp này có thể bao gồm liệu pháp hành vi với trẻ, chương trình đào tạo cho phụ huynh về quản lý hành vi và can thiệp hành vi trong lớp học. Những phương pháp này có thể thực hiện kết hợp hoặc độc lập, nhưng tốt nhất là cả phụ huynh và giáo viên cùng làm việc.


Ở trẻ nhỏ, liệu pháp hành vi cũng hiệu quả như dùng thuốc. Lý do trẻ nhỏ không nên dùng thuốc là vì chúng thường gặp nhiều tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chưa nghiên cứu rộng rãi về tác dụng lâu dài của thuốc ADHD ở trẻ nhỏ. 

Thuốc 

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị ADHD ở trẻ em. Những loại thuốc này là thuốc kích thích thần kinh hoặc không kích thích thần kinh.


Thuốc kích thích thần kinh là loại thuốc điều trị ADHD được sử dụng rộng rãi nhất và chúng có tác dụng nhanh. Khoảng 70–80% trẻ em mắc ADHD nhận thấy các triệu chứng giảm đi khi dùng loại thuốc này.


Thuốc không kích thích thần kinh không có tác dụng nhanh nhưng có hiệu quả lâu dài. Thường kéo dài đến khoảng 24 giờ.

Tìm hiểu thêm về các phương pháp điều trị cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương:

Cha mẹ và người chăm sóc có thể quản lý ADHD như thế nào 

Về ảnh hưởng, đối với những trẻ mắc ADHD, chúng sẽ khó hoàn thành những nhiệm vụ lặp đi lặp lại và ít thú vị. Vì vậy, những công việc như làm bài tập về nhà, mặc quần áo và đi ngủ có thể khó khăn đến mức trẻ phản đối hành động đó bằng mọi cách có thể.


Chẳng hạn như, trẻ có thể nổi cơn thịnh nộ với hy vọng rằng cha mẹ có thể thay đổi nhiệm vụ theo cách mà chúng dễ hoàn thành hơn. Trẻ cũng có thể sử dụng các chiến lược né tránh - chẳng hạn như tranh cãi, thách thức và tranh giành - để cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình.


Trẻ mắc ADHD có thể yêu cầu nhiều sự tổ chức và sắp xếp hơn . Có một thời gian biểu cho phép chúng biết điều gì sẽ xảy ra và người lớn nên đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về những hành vi tối ưu.


Người lớn có thể nhận ra việc mất bình tĩnh và đưa ra các hình phạt cho trẻ là không hiệu quả ở trẻ mắc ADHD vì đơn giản là trẻ đã quen với các tình huống này.


Ngoài ra, khen ngợi những hành vi thích ứng và hành vi xã hội để thúc đẩy trẻ, điều này có thể giúp trẻ hình thành mối quan hệ tích cực với cha mẹ và người chăm sóc. Đây có thể là cách tốt nhất để quản lý các hành vi gây rối.