Thuốc điều trị trầm cảm: Những thông tin cơ bản bạn nên biết

Thuốc điều trị trầm cảm: Những thông tin cơ bản bạn nên biết

Các bài viết trước cho chúng ta cũng thấy rằng trầm cảm là căn bệnh rất phổ biến và hoàn toàn có thể điều trị hết nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản giúp bạn đọc có thể hiểu được cách tác động cũng như một số tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc điều trị trầm cảm nhé.

Thuốc điều trị trầm cảm là gì?

Thuốc điều trị trầm cảm, còn được gọi là thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chữa bệnh trầm cảm có thể:

  • Giúp bạn cảm thấy tốt hơn và có thể trở lại làm các công việc hàng ngày.
  • Giảm các triệu chứng trầm cảm: trầm buồn, chán nản. mệt mỏi, mất tập trung, mất ngủ,…
  • Giảm bớt lo lắng.

Mỗi loại thuốc chống trầm cảm hoạt động theo một cách khác nhau. Nhưng nguyên lí chung của nó là giúp làm tăng trở lại các chất dẫn truyền thần kinh (những chất dẫn truyền này bị suy giảm gây nên các triệu chứng của trầm cảm.

Sử dụng khoảng bao lâu thì thuốc bắt đầu có đáp ứng?

Hầu hết các thuốc chống trầm cảm bắt đầu có hiệu quả trong vòng 2 tuần kể từ khi bạn bắt đầu dùng chúng. Nhưng thường phải mất 4 đến 6 tuần thì mới đạt được hiệu quả đầy đủ.

Nếu bạn không cảm thấy tốt hơn, hay triệu chứng không thuyên giảm sau 2 đến 4 tuần, hãy hỏi bác sĩ của bạn để bác sĩ  có thể tăng liều thuốc, kê đơn thuốc thứ hai hoặc đưa ra giải pháp khác.

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Nếu bạn chỉ bị tác dụng phụ nhẹ khi bắt đầu dùng thuốc chữa bệnh trầm cảm, hãy thử tiếp tục dùng thuốc trong vài tuần. Tác dụng phụ nhẹ thường biến mất sau khi cơ thể bạn quen với thuốc. Nếu tác dụng phụ không biến mất hoặc làm bạn lo lắng, hãy gặp bác sĩ của bạn. Họ có thể đề xuất về cách giảm hoặc xử lý các tác dụng phụ cho  bạn.

Vì mỗi loại thuốc chữa trầm cảm có cấu trúc hóa học khác nhau nên các tác dụng phụ cũng có thể sẽ khác nhau. Nhưng nói chung, tác dụng phụ chung thường gặp của của thuốc chống trầm cảm có thể bao gồm:

  • Cảm thấy bồn chồn hoặc bứt rứt.
  • Khó ngủ.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Nhức đầu.
  • Buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Khô miệng.
  • Vấn đề với tình dục (mất hứng thú, hoặc các vấn đề về rối loạn cương dương ở nam giới).
  • Tăng cân.

Trên đây là những tác dụng phụ chung và thường gặp, tùy vào từng nhóm thuốc bạn sử dụng là gì các bác sĩ sẽ khuyến cáo thêm một số tác dụng phụ khác nữa.

Việc cắt giảm rượu và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm.

 

Tôi phải dùng thuốc trong bao lâu?

Hầu hết đối với người lần đầu tiên mắc trầm cảm thì sẽ được điều trị trầm cảm trong ít nhất 6 đến 9 tháng. Nếu bạn bị trầm cảm lần thứ hai trở lên; có thể sẽ phải dùng thuốc chống trầm cảm nhẹ của bạn trong một năm hoặc hơn. Những người bị trầm cảm tái phát lần thứ 3 trở lên thì khả năng sẽ phải dùng thuốc suốt đời.

Dó đó, để tránh tình trạng tái phát, bạn cần tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc và uống đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tái phát nhiều lần nhé.

Nếu dừng thuốc, tuyệt đối không dừng thuốc đột ngột nếu bạn đã sử dụng liên tục trong 6 tuần. Vì như vậy rất dễ gây ra hội chứng ngưng thuốc (cảm giác giống như bị cúm, khó ngủ, buồn nôn, mất thăng bằng, cảm giác lo lắng, bứt rứt,…) Nếu muốn ngưng thuốc, bạn phải gặp bác sĩ để bác sĩ ngưng cho bạn, sẽ cần phải giảm dần liều của trong một vài tuần cho cơ thể quen dần rồi sau đó mới ngưng hẳn.

 

Các loại thuốc chống trầm cảm

SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc)

SSRIs thường là loại thuốc đầu tiên bác sĩ kê đơn cho người bị trầm cảm. Cơ chế chung của thuốc này là làm tăng trở lại chất dẫn truyền thần kinh serotonin (chất dẫn truyền bị giảm trong não và gây ra các triệu chứng trầm cảm). Nhóm thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả và hoạt động tốt; an toàn và có ít tác dụng phụ hơn so với nhiều loại thuốc khác. Một số ví dụ về SSRIs bao gồm citalopram, fluoxetine, paroxetine và sertraline.

SNRIs (chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine)

SNRIs hoạt động theo cách tương tự như SSRIs là làm tăng chất serotonin. Tuy nhiên nhóm này còn làm tăng thêm chất norepinerphrine (cũng là một chất dẫn truyền thần kinh bị suy giảm gây ra trầm cảm. Các bác sĩ đôi khi sẽ kê toa các loại thuốc SNRIs này khi SSRIs không đáp ứng. Một số ví dụ về SNRI bao gồm duloxetine và venlafaxine. SNRIs có thể làm tăng huyết áp của bạn; vì vậy cần thông báo với bác sĩ của bạn nếu bạn bị huyết áp cao.

Thuốc chống trầm cảm không điển hình

Thuốc chống trầm cảm không điển hình bao gồm bupropion và mirtazapine. Những loại thuốc này không có xu hướng gây ra tác dụng phụ liên quan đến tình dục. Vì vậy đôi khi các bác sĩ kê toa chúng cho những người bị tác dụng phụ về tình dục với thuốc chống trầm cảm khác. Bupropion không gây tăng cân. Nó có thể đặc biệt hữu ích cho những người thiếu năng lượng; mệt mỏi nhưng tác dụng phụ của nó có thể gây ra sự bồn chồn. Mirtazapine làm tăng sự thèm ăn và có thể gây tăng cân. Vì vậy đôi khi các bác sĩ đưa nó cho những người có chán ăn, gầy ốm.

TCAs (thuốc chống trầm cảm ba vòng)

TCAs hiện nay không còn được sử dụng nhiều như SSRIs và SNRIs, vì TCAs có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn, chẳng hạn như táo bón và ngầy ngật. Ngoài ra, TCAs có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim và gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác. Ở người cao tuổi, những loại thuốc này cũng có thể gây ngã do hạ huyết áp tư thế; lú lẫn và các vấn đề về trí nhớ. Mặc dù vậy, TCAs vẫn có vai trò trên một số người bị trầm cảm, đặc biệt là nếu họ không khá hơn với SSRIs hoặc SNRIs. Một số ví dụ về TCA bao gồm nortriptyline và amitryptyline.

Hiện nay, nhiều người thường quan tâm đến việc điều trị trầm cảm không dùng thuốc. Bạn có thể thay đổi lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và suy nghĩ tích cực. Y học cổ truyền cũng là một trong những cách chữa bệnh trầm cảm không dùng thuốc đang được quan tâm.

Trên đây là một số thuốc điều trị trầm cảm cơ bản và thông dụng nhất thời điểm hiện tại. Bạn hãy luôn nhớ rằng, đây là những thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương; nên bạn không được tùy ý sử dụng nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc hiểu biết thêm về quá trình điều trị mong rằng sẽ giúp bạn có một sự tuân thủ để điều trị đạt hiệu quả tốt nhất nhé.