Những Lầm tưởng về Trầm cảm

Những Lầm tưởng về Trầm cảm

HYPPO Clinic

Những quan niệm sai lầm ta thường gặp khi nói về trầm cảm là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết!

Lắng nghe chia sẻ của BSCKI. Nguyễn Thị Nhẫn về những lầm tưởng về trầm cảm thường gặp

Quan niệm sai lầm: "Bận rộn có phải luôn là cách tốt nhất để vượt qua trầm cảm?"

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự bận rộn đang dần được xem là thước đo của sự thành công, cũng như xem nó như là cách tốt để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Khi ta đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, mọi người thường cho rằng: “tại vì ta quá rảnh rỗi nên mới lo nghĩ những việc không đâu?”, “ do chúng ta quá rảnh rỗi để bị trầm cảm?”. Và cứ như thế chúng ta cho rằng chỉ cần lao vào công việc và cố gạt đi trầm cảm thì sẽ cảm thấy tốt hơn. Điều này có thể đúng đối với một số trường hợp trầm cảm nhẹ, nhưng đối với trầm cảm từ mức độ trung bình đến nặng, bạn phải gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Trong trường hợp này làm việc quá sức có thể làm trầm trọng hơn tình trạng trầm cảm.

Quan niệm sai lầm: "Trầm cảm không phải là một căn bệnh thực sự, nó là do con người tưởng tượng ra."

Thực tế, trầm cảm là một bệnh lý y khoa nghiêm trọng và là nằm trong top những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật ở người Mỹ trưởng thành. Nhưng nó vẫn bị người ta cho rằng đây là những “nỗi buồn tầm thường”. Y học hiện đại đã đưa ra những bằng chứng sinh học của căn bệnh trầm cảm đến từ các nghiên cứu về di truyền học, hormone, thụ thể tế bào thần kinh và hoạt động của não. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong rối loạn trầm cảm những mạch dẫn truyền thần kinh trong vùng não điều chỉnh cảm xúc hoạt động bất thường. Chính vì vậy, trầm cảm cũng cần được điều trị theo y học chứng cứ

Quan niệm sai lầm: Đàn ông sẽ không bị trầm cảm

Những quan niệm xưa nay luôn gán cho người đàn ông những điều như:” đàn ông không được yếu đuối”, “đàn ông không được khóc”. Chính vì điều này, vô hình chung làm cho phái nam ít dám thể hiện cảm xúc hơn. Người đàn ông sẽ có xu hướng ít nói về cảm xúc của họ hơn so với phụ nữ - và một số. Chính vì vậy khi nam giới bị trầm cảm, những người thân của họ và thậm chí cả bác sĩ có thể không nhận ra bệnh trầm cảm. Nam giới khi bị trầm cảm không tỏ ra buồn bã hay thất vọng. Thay vào đó, họ có thể cáu kỉnh, tức giận hoặc bồn chồn, lo lắng. Họ thậm chí có thể dễ đả kích người khác. Một số nam giới cố gắng đối phó với chứng trầm cảm thông qua hành vi liều lĩnh, uống rượu hoặc dùng ma túy.

Quan niệm sai lầm: Trầm cảm là do tâm lý yếu

Nền văn hóa của chúng ta đề cao sức mạnh ý chí, sự dẻo dai về tinh thần và nhanh chóng gán cho bất kỳ ai thể hiện sự trầm buồn, chán nản là người “ tâm lý yếu”. Thực tế trong y khoa không hề tồn tại cụm từ “ tâm lý yếu”. Những người bị trầm cảm không hề “lười biếng”, chính bản thân họ cũng rất muốn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực nhưng không thể được vì trầm cảm là một căn bệnh y khoa thực sự, một vấn đề sức khỏe liên quan đến những thay đổi dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Nó giống như khi bạn bị bệnh tăng huyết áp bạn cũng không thể dùng “ ý chí” để hạ huyêt áp xuống được thì trầm cảm cũng tương tự như vậy. Vì vậy, cũng giống như bao căn bệnh y khoa khác, trầm cảm cần được được điều trị thích hợp.

Sự thật: Ai cũng có thể bị trầm cảm

Từ những người có địa vị cao hay những người bình thường, từ người hướng nội hay hướng ngoại, bất kỳ ai thuộc bất kỳ dân tộc nào đều có thể mắc chứng trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy trầm cảm phổ biến ở phụ nữ gấp đôi so với nam giới, nhưng phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn và được điều trị sớm hơn so với nam giới. Trầm cảm thường khởi phát những giai đoạn đầu tiên vào cuối tuổi vị thành niên. Những người trầm cảm có thể đã có từng giai đoạn trầm cảm trước đó và có thể tự hết, nhưng đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời sẽ lại tái phát và thời điểm này cần phải được điều trị. Đa phần mọi người cho rằng trầm cảm là do những biến cố trong cuộc sống gây ra. Nhưng thực chất những biến cố này chỉ là yếu tố thúc đẩy một người có bộ não nhạy cảm dễ vào một đợt trầm cảm

Nguồn: https://www.webmd.com/depression/ss/slideshow-depression-myths