Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) - Niềm hy vọng cho chứng trầm cảm dai dẳng không dứt

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) - Niềm hy vọng cho chứng trầm cảm dai dẳng không dứt

HYPPO Clinic

Phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) dành cho những bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng điều trị thuốc.

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)
Niềm hy vọng cho chứng trầm cảm dai dẳng không dứt

Tại Hoa Kỳ, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng cho những người ở lứa tuổi 15-44 tuổi. Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả, nhưng không phải tất cả mọi người đều đáp ứng hiệu quả các phương pháp điều trị truyền thống như sử dụng thuốc chống trầm cảm hay tâm lý trị liệu. Trên thực tế, khoảng hai phần ba số người bị trầm cảm không nhận thấy được sự thuyên giảm từ loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên sử dụng. Sau hai tháng điều trị, những bệnh nhân này vẫn còn một số triệu chứng còn sót nhưng những loại thuốc sử dụng về sau lại giảm tác dụng hơn so với loại trước đó.

Vậy những bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng với các phương pháp điều trị ban đầu phải làm sao? Trong nhiều thập kỷ trước, liệu pháp sốc điện (ECT) được xem là tiêu chuẩn vàng cho chứng trầm cảm kháng trị. Trong thực tế, ECT vẫn được coi là phương pháp điều trị phi truyền thống mạnh mẽ và hiệu quả nhất đối với trầm cảm và vẫn còn được sử dụng đến hiện nay. Tuy nhiên, đối với nhiều người bị trầm cảm, ECT có thể trở nên khó dung nạp do tác dụng phụ đối với trí nhớ và nhận thức. May mắn thay, trong các phương pháp phi truyền thống, còn có một lựa chọn phương pháp điều trị mới được gọi là kích thích từ trường xuyên sọ (TMS).

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là gì?

Kích thích từ trường xuyên sọ, hay TMS, là một hình thức kích thích não không xâm lấn. Các thiết bị TMS hoạt động hoàn toàn bên ngoài cơ thể và tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương bằng cách áp dụng từ trường mạnh vào các khu vực cụ thể của não có liên quan đến chứng trầm cảm.

Phương pháp TMS không cần gây mê và thường được dung nạp tốt một cách đặc biệt so với các tác dụng phụ thường thấy với thuốc và ECT. Tác dụng phụ phổ biến nhất của TMS là đau đầu trong hoặc sau khi điều trị. Một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng là co giật, vì vậy TMS có thể không phù hợp với những người có nguy cơ co giật cao như những người bị động kinh, có tiền sử chấn thương đầu hoặc các vấn đề thần kinh nghiêm trọng khác.

Hiệu quả của TMS?

Khoảng 50% đến 60% bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng điều trị thuốc cho thấy phản ứng có ý nghĩa lâm sàng khi điều trị với TMS. Khoảng một phần ba số bệnh nhân này thuyên giảm hoàn toàn các triệu chứng. Dù vậy, cần phải lưu tâm rằng kết quả điều trị này mặc dù có hiệu quả song không kéo dài vĩnh viễn. TMS cũng giống như hầu hết các phương pháp điều trị rối loạn tâm trạng khác, đều có tỷ lệ tái phát cao. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân TMS cảm thấy tốt hơn trong nhiều tháng sau khi ngừng điều trị, với thời gian đáp ứng trung bình là hơn một năm.

TMS hoạt động như thế nào?

Liệu pháp TMS là một lựa chọn điều trị chuyên sâu, các buổi điều trị thông thường diễn ra năm ngày một tuần và kéo dài trong vài tuần. Mỗi phiên có thể kéo dài từ 20 đến 50 phút, tùy thuộc vào thiết bị và phác đồ lâm sàng được sử dụng. Khi đến phòng khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra nhanh với bác sĩ và sau đó bắt đầu thực hiện liệu pháp. Kỹ thuật viên. Bác sĩ sẽ xác định cường độ kích thích lý tưởng và mục tiêu điều trị bằng cách tận dụng một "mốc" trong não được gọi là vỏ não vận động. Bằng cách nhắm mục tiêu đánh dấu vào phần não này, bác sĩ có thể xác định vị trí tốt nhất để định vị cuộn dây kích thích từ theo tình trạng não của cá nhân cụ thể và phải điều chỉnh cường độ của máy để đạt được kích thích đầy đủ. Các tính toán sau đó được áp dụng để dịch nguồn dữ liệu này sang việc tìm ra vỏ não trước trán - là khu vực não có liên quan đến chứng trầm cảm và là vùng não có bằng chứng lớn nhất về hiệu quả lâm sàng. Mặc dù một phiên điều trị có thể đã đủ để thay đổi mức độ dễ bị kích thích của não, nhưng sự thuyên giảm thường không dễ nhận thấy cho đến tuần điều trị thứ ba, thứ tư, thứ năm hoặc thậm chí thứ sáu.

Bác sĩ tại HYPPO Clinic thực hiện phương pháp Kích thích từ trường (TMS)

TMS có thể điều trị những vấn đề gì?

TMS đang được nghiên cứu rộng rãi trên các rối loạn, và thậm chí trên các ngành khác, với hy vọng rằng nó sẽ phát triển thành phương pháp điều trị mới cho các rối loạn thần kinh, kiểm soát cơn đau và phục hồi thể chất bên cạnh rối loạn tâm thần. Hiện tại có những thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn xem xét hiệu quả của TMS với các tình trạng trầm cảm ở trẻ em, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng cai thuốc lá và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). 

Theo dõi quy trình thực hiện phương pháp TMS tại HYPPO Clinic cùng ThS. BS. Lê Nguyễn Thụy Phương:

Nguồn tham khảo: Adam P. Stern. (2020). Transcranial magnetic stimulation (TMS): Hope for stubborn depression. Harvard Health Blog. https://www.health.harvard.edu/blog/transcranial-magnetic-stimulation-for-depression-2018022313335