Rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học là gì?

Rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học là gì?

HYPPO Clinic

Bài viết này tìm hiểu về định nghĩa, phân loại, ảnh hưởng, chẩn đoán và hướng điều trị cho rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học

Đồng hồ sinh học là gì? 

Đồng hồ sinh học là đồng hồ 24h bên trong cơ thể điều khiển chu kỳ thức - ngủ của một người. Nó nằm trong trung tâm điều khiển của não có tên là Suprachiasmatic Nucleus (SCN), còn được gọi là nhân trên chéo.

Nhân trên chéo (SCN) hoạt động như máy tạo nhịp của hệ thống thời gian sinh học. Nó điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể bằng cách luôn nhạy cảm với các tín hiệu ánh sáng kể cả ngày hay đêm.

Vào ban ngày, khi tia sáng chiếu vào mắt, dây thần kinh thị giác sẽ truyền tín hiệu đến SCN để sản xuất cortisol. Điều này giúp con người tỉnh táo và tập trung xuyên suốt một ngày.

Một người thức càng lâu thì nhu cầu ngủ của cơ thể họ càng nhiều.

Vào ban đêm, việc thiếu ánh sáng sẽ kích hoạt SCN gửi tín hiệu đến tuyến tùng. Tuyến tùng kích hoạt giải phóng melatonin khiến con người chìm vào giấc ngủ.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), đồng hồ sinh học còn kiểm soát các quá trình khác, bao gồm:

  • Ăn uống và tiêu hóa 
  • Nhiệt độ cơ thể 
  • Hoạt động nội tiết

Sự gián đoạn đồng hồ sinh học của một người có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ và sự tỉnh táo của họ. Thói quen ngủ kém, cách làm việc và di chuyển thường xuyên có thể là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn cấp tính, tạm thời. Lão hóa, di truyền và các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể gây ra tình trạng gián đoạn mãn tính. 

Phân loại rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học 

Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (DSPD) 

Nghiên cứu của Alexander D. Nesbitt năm 2018 báo cáo rằng, nếu thời gian đi ngủ và thức dậy của một người trễ hơn 2 giờ so với thời gian thông thường, họ có thể mắc DSPD. Những người có DSPD thường thức đến sáng sớm mới ngủ và thức dậy vào trưa hoặc chiều.

DSPD phổ biến hơn ở thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi với tỷ lệ được báo cáo là 7–16%. Nghiên cứu ước tính rằng khoảng 10% người được chẩn đoán mất ngủ mãn tính đều mắc DSPD. Ngoài ra khoảng 40% người mắc DSPD có thể có tiền sử gia đình mắc rối loạn này.

Rối loạn giai đoạn ngủ sớm (Advanced sleep phase disorder - ASPD)

Những người mắc ASPD ngủ và thức dậy sớm hơn hầu hết mọi người vài giờ. Ví dụ, một người có rối loạn này có thể ngủ trong khoảng từ 6 giờ tối đến 9 giờ và thức dậy trong khoảng 2 giờ sáng và 5 giờ sáng. ASPD ảnh hưởng đến khoảng 1% người trung niên, người cao tuổi và tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi.

Một số người có thể điều chỉnh công việc và lối sống của họ cho phù hợp với kiểu ngủ ASPD. Nhưng với nhiều người khác, điều này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Cảm giác mệt mỏi mỗi tối dễ làm cản trở họ trong các hoạt động và các kế hoạch kết nối xã hội. Người mắc rối loạn này gặp khó khăn vì vì thức dậy sớm hơn mọi người, trong khi người khác còn đang ngủ.

Rối loạn lệch múi giờ 

Nếu một người di chuyển qua 2 hoặc nhiều múi giờ từ nơi ở thường ngày, họ có thể mắc rối loạn lệch múi giờ. 

Ở rối loạn này, đồng hồ thức - ngủ bên trong chưa kịp điều chỉnh theo giờ địa phương mới. Họ có thể cảm thấy buồn ngủ ban ngày và tỉnh táo vào ban đêm.

Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) lưu ý rằng rối loạn lệch múi giờ thường nghiêm trọng hơn khi một người di chuyển về phía đông hơn là phía tây. Tình trạng này thường chỉ là tạm thời và có thể được điều chỉnh theo thời gian.

Tuy rằng rối loạn này ảnh hưởng đến mọi nhóm tuổi nhưng người trẻ tuổi có xu hướng phục hồi nhanh hơn.

Rối loạn giấc ngủ theo ca làm việc 

Loại rối loạn này phổ biến ở những người làm ca đêm, sáng sớm hoặc ca luân phiên. Những lịch làm việc này ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể, khiến họ khó ngủ vào những giờ thông thường. 

Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi nghiêm trọng, thức dậy với cảm giác không sảng khoái và tâm trạng chán nản.

Rối loạn này có thể dẫn đến:

  • Tai nạn tại nơi làm việc, tại nhà hoặc khi tham gia giao thông 
  • Có nhu cầu nghỉ ốm
  • Lạm dụng chất

Rối loạn nhịp thức - ngủ không đều (ISWRD)

ISWRD là một rối loạn hiếm. Rối loạn này diễn ra khi một người có chu kỳ thức-ngủ không rõ ràng. Những người có rối loạn này đã từng có ít nhất là 3 lần ngủ quá 24 giờ. Họ có vẻ rất buồn ngủ vào ban ngày nhưng không thể ngủ được vào ban đêm. Ngoài ra, giấc ngủ chính cũng không theo khung giờ ngủ thông thường.

Những người mắc một số tình trạng thần kinh nhất định có thể có nguy cơ mắc rối loạn này cao hơn, như:

  • Suy giảm trí nhớ
  • Tổn thương não
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần đặc thù

Rối loạn nhịp thức-ngủ không 24 giờ (Non-24-hour sleep-wake rhythm disorder)

Rối loạn này đặc trưng bởi chu kỳ thức-ngủ luôn thay đổi, muộn hơn một chút mỗi ngày. Người mắc rối loạn này có thể khó ngủ hoặc khó thức vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Điều này do não không có khả năng tiếp nhận tín hiệu ánh sáng từ môi trường xung quanh. Rối loạn này phổ biến ở những người mù hoặc người mắc các bệnh lý thần kinh.

Ảnh hưởng của rối loạn nhịp sinh học 

Rối loạn nhịp sinh học có thể gây ra:

  • Khó ngủ hoặc luôn cảm thấy buồn ngủ
  • Buồn ngủ ban ngày hoặc buồn ngủ trong ca làm việc 
  • Suy giảm khả năng phán đoán 
  • Tâm trạng kém 
  • Suy giảm hiệu suất làm việc 
  • Cảm giác kém tỉnh táo
  • Vấn đề trí nhớ 
  • Trầm cảm
  • Khó tập trung
  • Đau đầu 
  • Giảm ham muốn tình dục

Ngủ và thức ở những thời điểm khác nhau cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài. Một nghiên cứu vào năm 2020 của Tianyi Huang và cộng sự đã chỉ ra rằng những người có thói quen ngủ không đều dễ mắc bệnh mạch vành hơn những người khác.

Về lâu dài, giấc ngủ kém có thể gây ra nhiều tình trạng sức khỏe như:

  • Bệnh tim mạch
  • Nồng độ cholesterol cao
  • Béo phì
  • Nhiễm trùng và cảm lạnh thường xuyên
  • Ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt

Chẩn đoán 

Để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học cho một người, bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ sẽ xem xét bệnh sử và hỏi về thói quen ngủ của người đó.

Điều trị 

Mục tiêu điều trị cho một người có rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học chủ yếu nhằm thiết lập lại nhịp thức-ngủ để phù hợp với môi trường của họ. Kế hoạch điều trị cá nhân sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn và mức độ nghiêm trọng của nó.

Theo NHLBI, bác sĩ có thể đưa ra nhiều lựa chọn điều trị như:

  • Liệu pháp ánh sáng: liệu pháp này có thể giúp điều chỉnh lượng melatonin mà cơ thể tạo ra để điều chỉnh chu kỳ thức-ngủ. Để tiến hành liệu pháp này, khuyến khích một người dành thời gian mỗi ngày để ngồi trước hộp đèn có ánh sáng tương tự như ánh sáng mặt trời. Liệu pháp này sử dụng vào thời điểm người đó muốn tỉnh táo. Đối với DSPD, liệu pháp ánh sáng sẽ được sử dụng vào buổi sáng. Ngược lại, đối với ASPD, liệu pháp này sẽ được sử dụng vào buổi tối.
  • Thuốc: chất bổ sung melatonin hoặc các loại thuốc có thể giúp điều chỉnh lại chu kỳ thức-ngủ. Bác sĩ cũng có thể kê những loại thuốc như:
    • Các loại thuốc hỗ trợ đưa vào giấc ngủ như benzodiazepin và zolpidem, có thể giúp ngủ nhanh hơn và giữ giấc ngủ lâu hơn.
    • Các loại thuốc kích thích thức dậy như modafinil và armodafinil, có thể giúp duy trì sự tỉnh táo và tập trung trong ca làm việc.

Tìm hiểu về các loại thuốc ngủ cùng BSCKI. Nguyễn Thị Nhẫn:

Khi nào cần liên hệ bác sĩ 

Một người nên đến gặp bác sĩ nếu họ có những triệu chứng dưới đây:

  • Khó ngủ 
  • Mất ngủ
  • Thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm 
  • Thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại 
  • Chất lượng giấc ngủ kém 

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và đề xuất các phương án điều trị. Họ cũng có thể giới thiệu người thăm khám đến các chuyên gia về giấc ngủ để chẩn đoán và điều trị.