Rối loạn hoảng sợ: Khi nỗi sợ lấn át tất cả

Rối loạn hoảng sợ: Khi nỗi sợ lấn át tất cả

HYPPO Clinic

Bạn đã bao giờ gặp phải những cơn lo lắng đột ngột và nỗi sợ hãi tột độ kéo dài trong vài phút? Có thể lúc đó tim bạn đập mạnh, bạn đổ nhiều mồ hôi và cảm thấy như không thể thở hoặc suy nghĩ rõ ràng? Điều này có xảy ra vào những thời điểm không thể đoán trước và không có nguyên nhân rõ ràng, khiến cho bạn luôn lo lắng rằng nó sẽ bộc phát trở lại?

Rối loạn hoảng sợ là gì?

Những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ sẽ có những cơn hoảng loạn thường xuyên và đột ngột. Những cơn hoảng loạn này đặc trưng bởi làn sóng sợ hãi hoặc khó chịu hoặc cảm giác mất kiểm soát bộc phát ngay cả khi không có nguy hiểm hoặc nguyên nhân rõ ràng. Các cơn hoảng loạn thường bao gồm các triệu chứng thực thể có thể khiến bạn cảm thấy giống như một cơn đau tim, chẳng hạn như run rẩy, ngứa ran, khó thở hoặc nhịp tim nhanh. 

Nhiều người chỉ trải qua một hoặc hai cơn hoảng loạn trong đời nhưng nếu bạn tái phát các cơn hoảng loạn một cách bất ngờ và thường xuyên lo sợ về việc bộc phát các  cơn hoảng loạn khác trong thời gian dài, bạn có thể mắc một tình trạng gọi là rối loạn hoảng sợ. Tuy nhiên không phải ai trải qua cơn hoảng loạn cũng sẽ mắc chứng rối loạn hoảng sợ.

Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn hoảng sợ

Những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ có thể gặp phải:

  • Các cơn hoảng loạn đột ngột và lặp đi lặp lại gây lo lắng và sợ hãi quá mức
  • Cảm giác mất kiểm soát, sợ chết hoặc sự diệt vong sắp xảy ra trong cơn hoảng loạn
  • Một nỗi lo lắng mãnh liệt về thời điểm cơn hoảng loạn tiếp theo sẽ xảy ra
  • Sợ hãi và né tránh những nơi từng xảy ra cơn hoảng loạn trong quá khứ
  • Các triệu chứng cơ thể trong cơn hoảng loạn, chẳng hạn như:
    • Tim đập nhanh
    • Đổ mồ hôi
    • Ớn lạnh
    • Run sợ
    • Khó thở
    • Suy nhược hoặc chóng mặt
    • Tay ngứa ran hoặc tê
    • Đau ngực
    • Đau dạ dày hoặc buồn nôn

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn hoảng sợ?

Trong một số trường hợp, chứng rối loạn hoảng sợ có tính di truyền trong gia đình, tuy nhiên câu hỏi vì sao một số thành viên trong gia đình lại mắc chứng này trong khi những người khác thì không vẫn chưa có lời giải đáp.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số bộ phận của não và một số quá trình sinh học thần kinh nhất định có thể đóng một vai trò quan trọng đối với nỗi sợ hãi và lo lắng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các cơn hoảng loạn giống như “báo động giả” khi bản năng sinh tồn điển hình của cơ thể chúng ta hoạt động quá thường xuyên và quá mạnh. Ví dụ, một người mắc chứng rối loạn hoảng sợ có thể rất tập trung và đôi khi là phóng đại về tình trạng cơ thể, như nghe tiếng tim mình đập thình thích có thể khiến họ sợ hãi và lập tức cho rằng mình đang bị đau tim. Nỗi sợ hãi này ngày càng được đẩy lên đỉnh điểm, gây ra cơn hoảng loạn thật sự với các triệu chứng cơ thể khác. Đây có thể xem là một vòng luẩn quẩn vì cơn hoảng loạn chính là mấu chốt của chứng rối loạn hoảng sợ. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về cách não và cơ thể tương tác ở những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ để tạo ra các phương pháp điều trị chuyên biệt hơn. Ngoài ra, việc xem xét vai trò của căng thẳng và các yếu tố môi trường trong chứng rối loạn này cũng đang được nghiên cứu.

Rối loạn hoảng sợ được điều trị như thế nào?

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng rối loạn hoảng sợ, hãy tìm gặp các chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Sau khi thăm khám về bệnh sử, bạn có thể được tiến hành khám sức khỏe để đảm bảo các triệu chứng này không xuất phát từ nguyên nhân thực thể. Sau khi đã loại bỏ được các nguyên nhân thực thể thì bác sĩ tâm thần sẽ tiến hành chẩn đoán và tìm ra hướng điều trị phù hợp.

Rối loạn hoảng sợ thường được điều trị bằng tâm lý trị liệu hoặc thuốc hoặc là kết hợp cả hai phương pháp. Cần trao đổi với chuyên gia để tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất đối với mỗi cá nhân. 

Tâm lý trị liệu

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) - một loại trị liệu tâm lý thực chứng - thường được sử dụng để điều trị chứng rối loạn hoảng sợ. CBT hướng đến thay đổi những cách suy nghĩ, hành xử và phản ứng khác nhau với những cảm xúc xảy ra trong hoặc trước cơn hoảng loạn. Các cơn hoảng loạn có thể thuyên giảm hay bộc phát ít thường xuyên hơn khi cá nhân đã học được cách phản ứng khác với những cảm giác lo lắng và sợ hãi về thể chất trong cơn hoảng loạn.

Liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy) là một phương pháp phổ biến tập trung vào việc đối mặt với nỗi sợ hãi và niềm tin liên quan đến chứng rối loạn hoảng sợ để giúp cho cá nhân từ từ thích nghi và thực hiện các hành vi mà họ vốn đang tránh né. Liệu pháp này đôi khi được kết hợp với các liệu pháp thư giãn.

Thuốc

Thuốc điều trị rối loạn hoảng sợ cần phải được kê đơn bởi bác sĩ tâm thần. Các loại thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI): Thuốc chống trầm cảm SSRI và SNRI thường được sử dụng để điều trị trầm cảm, nhưng chúng cũng có thể giúp điều trị các triệu chứng rối loạn hoảng sợ. Có thể mất vài tuần để thuốc bắt đầu đáp ứng điều trị. Những loại thuốc này cũng có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như đau đầu, buồn nôn hoặc khó ngủ tuy nhiên những tác dụng phụ này thường không nghiêm trọng, đặc biệt nếu liều bắt đầu thấp và tăng dần theo thời gian. Cần phải trao đổi với bác sĩ khi gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc.
  • Thuốc ức chế beta: Thuốc ức chế beta có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng thực thể của rối loạn hoảng sợ, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi và run rẩy. 
  • Thuốc chống lo âu, như thuốc benzodiazepin: Benzodiazepin, thuốc an thần chống lo âu, có thể rất hiệu quả trong việc giảm nhanh các triệu chứng hoảng loạn. Tuy nhiên, một số cá nhân sẽ có khả năng dung nạp loại thuốc này cao hơn và cần liều ngày càng cao để giữ được tác dụng, một số thậm chí còn trở nên phụ thuộc thuốc. Do đó, bác sĩ tâm thần có thể chỉ kê đơn thuốc này trong một khoảng thời gian ngắn nếu thật sự cần thiết. 

Cả điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc đều có thể cần một thời gian để phát huy tác dụng. Nên thăm khám với bác sĩ để tìm ra loại thuốc, liều lượng và thời gian điều trị tốt nhất cho mình. 

Ngoài ra, một lối sống lành mạnh cũng có thể giúp chống lại và phòng ngừa chứng rối loạn hoảng sợ. Hãy đảm bảo bản thân ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và không ngần ngại tìm đến gia đình và bạn bè, những người mà bạn tin tưởng để được hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Làm cách nào tôi có thể hỗ trợ bản thân và những người khác với chứng rối loạn hoảng sợ?

Tự giáo dục bản thân

Chủ động tìm kiếm thông tin là một cách tốt để giúp bản thân hoặc người thân đang phải vật lộn với cơn hoảng loạn hoặc rối loạn hoảng sợ hiểu về những gì họ có thể đang trải qua. Thông tin có thể là về các dấu hiệu cảnh báo, các lựa chọn điều trị và hay các phương pháp hỗ trợ kịp thời.

Giao tiếp

Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng rối loạn hoảng sợ, hãy trò chuyện thành thật về cảm giác của bạn với người mà bạn tin tưởng. Nếu bạn nghĩ rằng một người bạn hoặc thành viên gia đình có thể đang phải vật lộn với chứng rối loạn hoảng sợ, hãy dành thời gian để nói chuyện với họ để bày tỏ mối quan tâm của bạn và trấn an họ.

Biết khi nào cần tìm sự giúp đỡ

Nếu sự lo âu của bạn hay của người thân bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày—chẳng hạn như ở trường, nơi làm việc hoặc với bạn bè và gia đình—thì đã đến lúc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ hay chuyên viên tâm lý.

Tài liệu tham khảo:

National Institute of Mental Health. (n.d). Panic Disorder: When Fear Overwhelms. https://www.nimh.nih.gov/health/publications/panic-disorder-when-fear-overwhelms