Những lầm tưởng thường gặp về Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Những lầm tưởng thường gặp về Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

HYPPO Clinic

Một số những suy nghĩ sai lầm về rối loạn giảm chú ý ở trẻ em.

Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) là gì?

Hãy cùng theo dõi chia sẻ của ThS. BS. Đào Thị Thu Hương:

Những lầm tưởng thường gặp về ADHD

“Trẻ bị ADHD không thể tập trung vào bất cứ việc gì trong một thời gian dài.”

Nhiều người cho rằng những đứa trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý không thể tập trung vào bất cứ điều gì trong  một vài phút và xem đây là biểu hiện duy nhất cho thấy đứa trẻ có mắc rối loạn hay không. Như việc nhiều cha mẹ nói rằng con mình chắc chắn không thể bị rối loạn tăng động giảm chú ý vì bé có thể ngồi xem sách trong thời gian dài.

Tuy nhiên, vấn đề với những đứa trẻ mắc chứng ADHD không nằm ở sự thiếu chú ý mà là việc khó hướng sự chú ý của trẻ vào những thứ trẻ ít hứng thú, bao gồm cả những hướng dẫn hay nhiệm vụ từ ba mẹ và giáo viên. Sự thật là nếu đó là hoạt động có tính củng cố và hấp dẫn cao hay là một hoạt động mà trẻ yêu thích, thì chúng vẫn có thể hướng sự chú ý của mình vào nhiệm vụ đó trong thời gian lâu hơn bình thường. Trên thực tế, nhiều trẻ mắc chứng ADHD vẫn trải qua trạng thái tập trung cao độ vào những thứ mà chúng thấy hứng thú.

Đó là lý do tại sao việc trò chơi điện tử xuống và ngồi vào bàn làm bài tập có thể là một điều rất khó khăn đối với trẻ mắc chứng ADHD.



“Một đứa trẻ không tăng động thì không thể bị rối loạn tăng động giảm chú ý.”

Khác với tên gọi của rối loạn, không phải tất cả trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý đều tăng động. Có ba thể của tăng động, giảm chú ý:

  • Thể giảm chú ý: Phần lớn các triệu chứng rơi vào tình trạng không tập trung.
  • Thể tăng động:  Phần lớn các triệu chứng là hiếu động và bốc đồng.
  • Thể hỗn hợp tăng động và giảm chú ý: Đây là sự pha trộn của các triệu chứng không tập trung và các triệu chứng hiếu động, bốc đồng.

Trong thể giảm chú ý, trẻ em dễ bị phân tâm và khó tập trung vào những thứ đòi hỏi nỗ lực lâu dài, chẳng hạn như bài tập về nhà. Trẻ cũng gặp những khó khăn khác trong hoạt động điều hành, như không biết tổ chức sắp xếp hoặc hay quên. Tăng động không phải là một triệu chứng trong thể này.

Do vậy không phải trẻ không tăng động sẽ chắc chắn không có rối loạn tăng động giảm chú ý.

 “Chỉ có bé trai mới mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.”

Số lượng bé trai được chẩn đoán mắc chứng ADHD nhiều gấp đôi so với bé gái, nhưng điều đó một phần là do các bé gái thường ít biểu hiện sự hiếu động hơn. Trong khi sự hiệu động thái quá - hay tăng động là một đặc điểm rất dễ nhận thấy ở trẻ em.

Thông thường, các bé trai biểu hiện nhiều hơn những triệu chứng về tăng động, còn các bé gái. lại thể hiện triệu chứng về giảm chú ý nhiều hơn. Một đứa nhỏ không thể ngồi yên một chỗ và luôn chen ngang thầy cô sẽ nổi bật và dễ được người lớn để ý hơn là một em nhỏ lo ra, không tập trung trong lớp. Do vậy mà nhiều chuyên gia cho rằng các bé gái mắc chứng rối loạn này thường bị bỏ qua, mặc dù các em cũng đang gặp khó khăn ở trường và có những vấn đề về lòng tự trọng.

Một biểu hiện thường thấy khác ở bé gái đó là sự bất ổn khi cảm xúc tăng cao. Khi đó trẻ gặp khó khăn trong việc ức chế các phản ứng cảm xúc, vì vậy trẻ trải nghiệm cảm xúc theo một cách thực sự lớn. Thường điều này thể hiện qua việc trẻ trở nên quá khó chịu vì một điều gì đó nhỏ nhặt, chẳng hạn như hết thời gian được chơi.

“Khi trẻ lớn thì sẽ tự động hết bị rối loạn tăng động giảm chú ý.” 

Rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi theo thời gian nhưng không đồng nghĩa với việc nó sẽ biến mất theo thời gian. Thanh thiếu niên hoặc người lớn mắc chứng ADHD có thể không đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đi lại lung tung nhưng họ có thể luôn cảm thấy khó chịu, hoặc bồn chồn bên trong. Những triệu chứng có thể không thể hiện rõ ra bên ngoài.

Khi trẻ bước bắt đầu lên trung học thì kỳ vọng đặt lên trẻ cũng tăng lên. Do vậy mà ngoài những khó khăn ở tuổi trước, thanh thiếu niên bị ADHD có thể gặp khó khăn trong học tập, quan hệ xã hội và tình cảm. Nếu không được điều trị, ADHD có thể dẫn đến các hành vi bốc đồng và nguy hiểm như sử dụng chất, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, rất cần thiết phải có sự theo dõi, thăm khám tầm soát ban đầu cho những trẻ nghi ngờ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý từ sớm, từ đó phối hợp với bác sĩ điều trị để giảm thiểu những hậu quả của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ trong từng độ tuổi.

 “Rối loạn tăng động giảm chú ý là do cha mẹ không biết dạy con.”

Rất dễ để kết luận rằng khi một đứa trẻ bốc đồng, không tuân theo lời người lớn hay quấy quá nhiều có nghĩa là đứa trẻ này không được cha mẹ dạy dỗ đàng hoàng. Nhưng thực chất rối loạn tăng động giảm chú ý là một chứng rối loạn phát triển thần kinh, có sự khác biệt trong cách thức hoạt động của não ở những trẻ mắc chứng rối loạn này. Vì vậy mà rối loạn tăng động giảm chú ý không xuất phát từ cách cha mẹ nuôi dạy trẻ.

Những phương pháp dạy dỗ với những trẻ khác thường không hiệu quả với trẻ có tăng động giảm chú ý, vì vậy mà cha mẹ phải luôn thích ứng từ từ với trẻ. Mặc dù việc nuôi dạy con cái không phải nguyên nhân gây ra chứng tăng động giảm chú ý, nhưng việc cha mẹ giúp trẻ có ADHD học cách kiểm soát hành vi của mình là rất quan trọng.

“Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.”

Thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý được cho là có thể khiến trẻ ủ rũ, buồn bã hoặc buồn ngủ. Tuy nhiên không phải tất cả trẻ đều gặp tác dụng phụ này, và nếu có thì điều đó cho thấy trẻ đang dùng sai liều hoặc sai loại thuốc ứng với nhu cầu.

Không có thuốc nào là phù hợp với tất cả những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý. Trẻ có những phản ứng khác nhau các nhóm thuốc khác nhau. Khi xảy ra tác dụng phụ không mong muốn, việc đổi thuốc và điều chỉnh liều lượng là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên vẫn có nhóm các bé vẫn gặp tác dụng phụ dù đang ở liều lượng thấp nhất. Đối với những trẻ này, nên xem xét các lựa chọn điều trị khác và cần được theo dõi bởi bác sĩ.

Chẩn đoán, Nguyên nhân và Phương pháp điều trị Rối loạn Tăng động - Giảm chú ý

Theo dõi thông tin cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương: