Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

HYPPO Clinic

Chắc hẳn trong chúng ta, ai làm cha mẹ cũng đều trải qua giai đoạn con mình bỗng nhiên bám dính lấy mình, bé khóc lóc mỗi khi phải tách rời cha mẹ, khóc lóc liên tục mỗi khi phải đến trường. Đây là một biểu hiện rất thông thường ở trẻ khi phải bắt đầu tách rời cha mẹ để tự mình khám phá thế giới.

Thế nào là rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em?

Đối với người lớn chúng ta, khi phải chia xa với những điều mình vốn quen thuộc cũng đã gây nên một sự lo lắng buồn bã, và rất là tự nhiên nếu những đứa trẻ cũng có phản ứng như vậy khi chúng bị tách rời bố mẹ, những người vốn dĩ luôn gắn liền bên cạnh chúng từ lúc sinh ra. Do vậy, lo âu chia ly là một phản ứng rất thông thường của trẻ và nó nằm trong một giai đoạn phát triển bình thường của trẻ.

Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em bắt đầu trước khi trẻ 1 tuổi và đánh dấu quan trọng về sự nhận thức của trẻ về sự tách biệt của cha mẹ hay người chăm sóc chính của trẻ. Đỉnh điểm của lo âu chia ly là trong khoảng từ 9 – 12 tháng và sẽ giảm dần khi trẻ hơn 2 tuổi, điều này giúp trẻ quen dần với sự vắng mặt của cha mẹ và tạo điều kiện giúp trẻ thoải mái khi xa cha mẹ ở trường mầm non.

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ có những biểu hiện như khóc lóc đòi cha mẹ, giận dữ hay đeo bám theo cha mẹ liên tục, thậm chí có thể theo vào nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, khoảng 15% trẻ không hề giảm lo âu khi bước vào tiểu học, thậm chí lỗi lo tăng cường độ hơn, trẻ rất khó khăn trong việc tách rời cha mẹ mặc dù đã được cha mẹ hỗ trợ hết sức, khó khăn trong việc đến trường hay kết giao bạn bè, lúc này có lẽ vấn đề không còn là lo âu chia ly mà đã phát triển thành rối loạn lo âu chia ly rồi.

Tìm hiểu về rối loạn lo âu ở trẻ em cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương:

Biểu hiện

Biểu hiện thường thấy như:

  • Đặc điểm cơ bản của rối loạn lo âu chia ly là nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức liên quan đến việc tách rời cha mẹ hay người chăm sóc. Nỗi sợ này tái đi tái lại khi vào tình huống phải chia ly.
  • Trẻ lo lắng về sự an toàn hay cái chết của người thân mà trẻ gắn bó, ví dụ như trẻ thường xuyên lo lắng bố mẹ bị bệnh hay sẽ chết và rời xa trẻ.
  • Trẻ cũng lo lắng về các sự kiện không mong muốn với bản thân, chẳng hạn như bị lạc, bị bắt cóc hoặc gặp tai nạn, sẽ khiến trẻ không bao giờ được đoàn tụ với người thân của trẻ .
  • Trẻ có thể có hành vi miễn cưỡng hoặc từ chối tự đi ra ngoài vì nỗi sợ chia ly, miễn cưỡng về việc ở một mình. Trẻ bị rối loạn lo âu chia ly có thể không thể ở trong phòng một mình và có thể có hành vi “đeo bám” người thân.
  • Trẻ mắc chứng rối loạn này thường gặp khó khăn khi đi ngủ và đòi ai đó ở bên trẻ cho đến khi trẻ ngủ thiếp đi.
  • Trẻ em có thể miễn cưỡng hoặc từ chối tham dự các hoạt động ngoại khóa, ngủ ở nhà của bạn bè hoặc rất khó khăn trong việc đến trường vì không thể tách rời người thân.
  • Có thể có những cơn ác mộng lặp đi lặp lại trong đó nội dung thể hiện sự lo lắng về sự chia ly với người thân, ví dụ như hỏa hoạn và người thân chết hết chỉ còn lại một mình trẻ.
  • Xuất hiện các triệu chứng thực thể như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn là khá phổ biến ở trẻ em khi sắp phải vào tình huống phải tách rời người thân. Các triệu chứng tim mạch như đánh trống ngực, chóng mặt và cảm thấy như muốn ngất xỉu thì rất hiếm ở trẻ nhỏ nhưng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và người lớn.

Những triệu chứng trên diễn ra ít nhất 4 tuần và gây ảnh hưởng nặng nề đến trẻ và gia đình trẻ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác hiện tại vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên người ta đã nhận định được các yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng này ở trẻ như:

  • Sự bao bọc quá mức từ cha mẹ: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự bao bọc quá mức từ cha mẹ làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu ở trẻ, trẻ giảm khả năng tự đương đầu với các sự kiện biến động trong cuộc sống.
  • Ở những trẻ có đặc điểm tính cách nhút nhát và thu mình trong những tình huống lạ lẫm đã được chứng minh (dẫn chứng) là có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly cao hơn.
  • Căng thẳng trong cuộc sống thường trùng với sự phát triển của rối loạn lo âu. Sự ra đi của người thân, bệnh tật của trẻ, thay đổi môi trường của trẻ em hoặc chuyển đến một khu phố hoặc trường học mới thường được ghi nhận trong tiền căn của trẻ em mắc chứng rối loạn lo âu chia ly.
  • Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cha mẹ mắc chứng rối loạn lo âu thì khả năng trẻ cũng mắc rối loạn lo âu cao hơn so với trẻ không có cha mẹ bị mắc rối loạn lo âu . Điều này hoàn toàn hợp lý vì tình trạng rối loạn lo âu của cha mẹ có thể ảnh hưởng lên cách nuôi dạy con cái. Ví dụ một người mẹ bị mắc chứng rối loạn lo âu, luôn trong tình trạng lo lắng quá mức sợ rằng con mình sẽ không được chăm sóc tốt khi không có mình bên cạnh, điều này làm người mẹ giữ khư khư đứa bé bên cạnh và cũng từ đó đứa bé có sự gắn kết quá mức và không thể tách mẹ được Tuy nhiên chũng ta không nên theo cái nhìn đổ lỗi cho người mẹ vì người mẹ cũng đang bị bệnh, thay vào đó hãy tìm cách giúp đỡ cho bệnh người mẹ khoẻ lên cũng như dành thời gian chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình. Sự lo âu của mẹ và trẻ tương tác lẫn nhau và làm nặng lên tình trạng của cả hai.

Làm thế nào để để cùng con bạn vượt qua giai đoạn rối loạn chia ly?

Không ai trong chúng ta muốn nhìn thấy con cái mình lo lắng buồn phiền, vì vậy việc giúp con bạn tránh những điều mà chúng sợ là điều có thể. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ củng cố nỗi lo lắng của con bạn về lâu dài nếu bạn luôn để bé tránh xa mọi tình huống gây stress. Thay vì cố gắng tránh xa nhau bất cứ khi nào có thể, tốt hơn bạn có thể giúp con bạn chống lại chứng rối loạn lo âu chia ly bằng cách thực hiện một số bước để khiến chúng cảm thấy an toàn hơn. Hãy đưa bé tới gặp bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm thần nhi khoa để được chẩn đoán và điều trị tâm lý, nếu cần thiết có thể phải sử dụng thêm thuốc.

Một số điều bạn có thể tự hỗ trợ cho bé:

  • Trước tiên hãy cố gắng cũng cố kiến thức của bản thân về chứng rối loạn này, khi hiểu được bạn sẽ thông cảm cho bé hơn, sẽ giảm được những tình huống mà đôi khi bạn cảm thấy quá bực tức vì sao bé lại đeo bám, khóc lóc như vậy và dẫn đến hành vi như đánh đòn bé.
  • Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Đôi khi vì chúng ta bỏ qua cảm giác sợ hãi của trẻ, cho rằng đó chỉ là cảm giác của trẻ con và bỏ qua chúng sẽ tạo cho trẻ cảm giác bị cô lập. Việc được người lớn lắng nghe lại là một cách giúp trẻ mạnh dạn hơn khi nói ra cảm xúc của mình.
  • Không nên nói với trẻ những câu như “con hãy quên nó đi, đừng nghĩ gì về nó cả”, các nghiên cứu chứng minh việc bạn gạt đi nỗi sợ của bé không mang lại lợi ích cho việc cải thiện bệnh, hãy thẳng thắng bàn luận với con về những tình huống nào làm con sợ, lúc đó cảm giác của con ra sao.
  • Quan sát và dự đoán những tình huống nào sẽ gây nên sự lo âu chia ly cho bé, để từ đó tìm cách làm nhẹ bớt sự lo âu trước khi tình huống xảy ra.
  • Giữ bình tĩnh khi thấy trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng khi vào tình huống lo âu, khi trẻ thấy bố mẹ bình tĩnh thì cũng giúp trẻ một phần nào lấy lại bình tĩnh.
  • Hỗ trợ khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa.
  • Khen ngợi trẻ mỗi khi trẻ làm được một điều gì đó, ví dụ như đêm nay trẻ đi ngủ mà không cần mẹ bên cạnh, hãy khen ngợi để trẻ có thêm động lực cho những lần tới.

Nếu có vẻ như rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em bạn bỗng nhiên xảy ra sau một đêm thức dậy, nguyên nhân có thể là do điều gì đó liên quan đến trải nghiệm đau thương hơn là lo âu chia ly bình thường. Mặc dù hai tình trạng này có thể có các triệu chứng giống nhau, nhưng chúng được điều trị khác nhau. Trong tình huống này, điều cần làm là bạn thử tìm ra nguyên nhân tác động đến trẻ khiến trẻ có trải nghiện đau thương đó.

Đối với phản ứng lo âu chia ly bình thường này, sẽ có những bước bạn có thể tự thực hiện để giúp trẻ để vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng hơn:

  • Thực hành tách rời: Ban đầu, bạn có thể để bé với một người chăm sóc khác trong thời gian ngắn và khoảng cách ngắn. Khi con bạn đã quen với việc chia ly tách rời mẹ, bạn có thể dần dần rời đi lâu hơn và đi xa hơn.
  • Bạn có thể tách rời bé vào khoảng thời gian sau khi bé ngủ trưa hoặc sau khi ăn: Một số nghiên cứu nói rằng các bé dễ bị lo âu chia ly hơn khi chúng mệt mỏi hoặc đói.
  • Hãy luôn nói với con bạn là bạn sẽ rời đi và bạn sẽ quay trở lại. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng trẻ con nên không biết gì, nhưng thực sự điều này rất quan trọng, trẻ hoàn toàn nhận biết được là mẹ sắp đi vắng và chúng sẽ an tâm hơn nếu được biết trước chuyện gì sắp xảy ra.
  • Thực hiện theo các lời hứa với trẻ, quay trở lại đúng thời điểm mà bạn đã hứa sẽ tạo được niềm tin và tạo cảm giác an tâm cho những những lần rời xa tiếp theo.
  • Khi con bạn vắng nhà, hãy khuyến khích chúng mang theo một đồ vật quen thuộc của chúng. Ví dụ như chú gấu bông mà bé hay ôm ngủ, chiếc mũ mà bé yêu thích,…
  • Có một người chăm sóc chính phù hợp. Nếu bạn thuê một người chăm sóc, hãy cố gắng duy trì họ trong công việc lâu dài để tránh sự không nhất quán trong cuộc sống của con bạn.
  • Giảm thiểu xem những thứ đáng sợ trên tivi. Con bạn sẽ ít sợ hãi hơn nếu các chương trình bạn xem không đáng sợ.
  • Cố gắng không nhượng bộ. Đây là điều rất quan trọng, nhiều bậc phụ huynh khi tập tách rời mà thấy con khóc lóc vật vã đã không thể thực hiện tiếp được việc luyện tập và đưa trẻ theo cùng, tuy nhiên bạn hãy cố gắng không nhượng bộ, việc này thực sự rất quan trong, đây là một trong những yếu tố quyết định cho những lần tập tách rời cha mẹ có thành công hay không, hãy nói với trẻ rằng chúng sẽ ổn thôi và chính bản thân cha mẹ hãy tự trấn an mình rằng “con sẽ ổn thôi”.

Rối loạn lo âu chia ly là tình trạng nếu không điều trị sẽ gây suy giảm mạnh chức năng xã hội sau này và làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, việc nhận biết đâu là bình thường, đâu là bất thường giúp cha mẹ tự tin hơn để cùng bé vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tìm hiểu về rối loạn lo âu chia ly của con. Bạn nên nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần của con để tìm hiểu về rối loạn và giúp trẻ hiểu về tình trạng này.