Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (ASD) ở Trẻ em: Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Phương Pháp Điều Trị Hiệu Quả

Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (ASD) ở Trẻ em: Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Phương Pháp Điều Trị Hiệu Quả

HYPPO Clinic

Hiểu về rối loạn phổ tự kỷ (ASD) - một tình trạng phát triển thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi ở trẻ, cùng với nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị.

ThS. BS. Đào Thị Thu Hương cùng video chia sẻ về định nghĩa và triệu chứng của Rối loạn phổ tự kỷ:

Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (ASD) là Gì?

Rối loạn phổ Tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) là một rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, và hành vi của trẻ. Đặc điểm chính của rối loạn phổ Tự kỷ là khó khăn trong giao tiếp, khả năng tương tác xã hội, và mẫu hành vi rập khuôn hoặc hạn chế.

Rối loạn phổ Tự kỷ có thể được chẩn đoán thông qua các đánh giá từ các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý.

Triệu Chứng và Đặc Điểm

Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường có những biểu hiện điển hình sau đây:

  • Khó kết nối xã hội: Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu các mối quan hệ cũng như cách thức tạo ra và duy trì các mối quan hệ. Trẻ có thể tránh tiếp xúc mắt hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ hay có những cách thức kết nối không phù hợp (ví dụ như đánh bạn để tạo sự chú ý hay thể hiện niềm yêu thích với bạn).
  • Giao tiếp khó khăn: Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Bé có thể nói ít hoặc không nói chút nào, không giao tiếp bằng mắt, hoặc sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với ngữ cảnh.
  • Hành vi rập khuôn và hạn chế: Trẻ tự kỷ thường thích các mô hình lặp đi lặp lại trong hành vi => thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại, như quay vòng, đập đầu, chơi với tay, nhón chân hoặc tập trung vào một sở thích cụ thể (như chỉ chơi với máy bay, ô tô,...) mà không quan tâm đến những thứ khác.
  • Sự nhạy cảm với giác quan: Một số trẻ tự kỷ có thể cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi và chạm. Trẻ có thể cảm thấy không thoải mái với các yếu tố này và có thể trở nên cáu gắt hay kích động.
  • Khó chịu với sự thay đổi: Trẻ tự kỷ thường không thích sự thay đổi trong lịch trình hoặc môi trường. Trẻ dễ cảm thấy bất an khi có sự thay đổi đột ngột.
  • Khả năng tiếp thu hạn chế: Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu thông tin mới hoặc tham gia vào các hoạt động nhóm.
  • Tập trung vào chi tiết: Trẻ tự kỷ có thể tập trung vào các chi tiết nhỏ mà không quan tâm đến bối cảnh lớn hơn hoặc ý nghĩa chung của các sự vật, sự việc.
  • Khả năng giao tiếp xã hội giới hạn: Trẻ tự kỷ thường không hiểu được các quy tắc xã hội và có thể thể hiện hành vi không phù hợp trong các tình huống xã hội.


Nguyên nhân

Các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình tìm ra nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ qua nhiều nghiên cứu. Hiện nay, có một số điều được chấp nhận rộng rãi.

  • Cách phát triển của não bộ: Rối loạn phổ tự kỷ gây ra bởi cách phát triển của não bộ, có khả năng bắt đầu rất sớm trong quá trình phát triển.
  • Gen di truyền: là một trong những yếu tố nguy cơ. Rối loạn phổ tự kỷ thường mang tính di truyền. Một đứa trẻ có anh chị em hoặc cha mẹ mắc rối loạn phổ tự kỷ cũng có khả năng mắc cao hơn.
  • Không chỉ có một nguyên nhân dẫn đến rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều yếu tố có thể khiến cho một đứa trẻ có khả năng mắc ASD cao hơn.

Nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ chưa được xác định, nhưng một số yếu tố đã được loại trừ.

  • Vaccine: Đã có nhiều nghiên cứu lớn, chất lượng cao được tiến hành, và không phát hiện có mối liên hệ nào giữa vaccine và rối loạn phổ tự kỷ.
  • Dạy dỗ con không đúng cách: không phải là một nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ.
  • Chế độ ăn trong khi mang thai: không có nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ này. Nhiều nhóm sắc tộc trên khắp thế giới có tỉ lệ mắc rối loạn phổ tự kỷ tương tự và chế độ ăn của họ rất khác nhau.

Phương Pháp Điều Trị

Điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là một sự phối hợp đa chuyên ngành, bao gồm bác sĩ, chuyên viên tâm lý, hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, công tác xã hội và ngành giáo dục.

Giáo dục đặc biệt

Khi một đứa trẻ được chẩn đoán xác định là rối loạn phổ tự kỷ,  đứa trẻ đó sẽ cần tiếp nhận giáo dục đặc biệt, bao gồm: 

  • Trị liệu lời nói (nói và sử dụng ngôn ngữ, ăn,...)
  • Hoạt động trị liệu (giác quan, tự chăm sóc, kỹ năng vận động tinh,...)
  • Vật lý trị liệu (vận động hoặc di chuyển, các kỹ năng vận động thô,...)
  • Trị liệu hành vi ABA (chuyển tiếp hoạt động, vui chơi, điều chỉnh hành vi,...)
  • Trị liệu tâm lý (trị liệu nhận thức - hành vi CBT,...)
  • Tập huấn dành cho cha mẹ và các gia đình
  • Các nhóm vui chơi xã hội

Thuốc kê đơn

Không có thuốc kê đơn nào được thiết kế để điều trị rối loạn phổ tự kỷ, nhưng một số thuốc có thể điều trị hiệu quả các triệu chứng liên quan, chẳng hạn như tăng động/giảm chú ý (ADHD), hung hăng, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và rối loạn khí sắc. Mục tiêu của việc điều trị bằng thuốc kê đơn thường là để giảm triệu chứng và giúp trẻ có thể tiếp cận hiệu quả hơn với các phương pháp điều trị và giáo dục khác.

Chế độ dinh dưỡng

Hai biện pháp can thiệp chế độ ăn thường gặp nhất được sử dụng bởi các gia đình gặp rối loạn phổ tự kỷ là chế độ ăn không gluten, casein và không men. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng như bác sĩ có thể hướng dẫn cho gia đình.

Tìm hiểu thêm về chẩn đoán, nguyên nhân và điều trị Rối loạn phổ tự kỷ cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương:

Kết Luận

Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng phát triển tâm thần phức tạp, việc hiểu rõ về rối loạn phổ tự kỷ và sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc phải. Nâng cao nhận thức và hỗ trợ từ cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những người sống với rối loạn phổ tự kỷ thích ứng và phát triển tốt.