Trầm cảm ở Trẻ em

Trầm cảm ở Trẻ em

HYPPO Clinic

Trầm cảm không phải là một tình trạng chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể gặp phải. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ khi trẻ có những dấu hiệu trầm cảm là rất quan trọng. Trầm cảm ở trẻ càng nhỏ sẽ càng ảnh hướng đến sự phát triển của trẻ và dễ tiến triển thành một vấn đề mãn tính.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một rối loạn khí sắc gây nên cảm giác buồn và mất hứng thú trong thời gian dài. Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi của trẻ và có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác trong cuộc sống của trẻ.

Trầm cảm kéo dài có thể gây khó khăn trong học tập, ảnh hưởng đến các mối quan hệ bạn bè hoặc trong gia đình và thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến ý định tự sát ở trẻ.

Dấu hiệu Trầm cảm ở Trẻ em

Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Buồn bã, tâm trạng ủ rũ kéo dài
  • Luôn khó chịu và cáu gắt
  • Mất quan tâm và hứng thú với những thứ trẻ từng rất thích 
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức

Trẻ cũng có thể:

  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều so với bình thường
  • Khó tập trung
  • Ít tương tác với gia đình và bạn bè
  • Khó đưa ra quyết định
  • Tự ti
  • Ăn ít hoặc ăn quá nhiều so với bình thường
  • Thay đổi cân nặng đáng kể
  • Trẻ không thể thư giãn hoặc  thờ ơ hơn bình thường 
  • Trẻ chia sẻ về cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
  • Cảm thấy trống rỗng hoặc cảm xúc phẳng lặng
  • Có ý nghĩ tự làm hại bản thân, hoặc ý nghĩ tự s-át
  • Có hành vi tự hại, như rạch da hay uống thuốc quá liều

Một số trẻ cũng có vấn đề về lo âu và được thể hiện qua triệu chứng cơ thể, như đau đầu hay đau bụng.

Các vấn đề trong học tập và hành vi cũng có thể là một dấu hiệu trầm cảm ở trẻ. 

Trẻ trầm cảm không biểu hiện toàn bộ triệu chứng. Hầu hết trẻ có biểu hiện triệu chứng khác nhau ở độ tuổi, từng thời điểm và môi trường khác nhau.

  • Trẻ dưới 7 tuổi mắc trầm cảm thường có triệu chứng trăn trở không yên, thu rút, khóc lóc, từ chối ăn, rối loạn giấc ngủ. Trẻ có thể thông qua biểu hiện cơ thể và cảm xúc như đau, buồn, vô vọng, xấu hổ, cảm thấy có lỗi,...
  • Trẻ trên 7 tuổi phát triển ngôn ngữ tốt hơn và có khả năng miêu tả triệu chứng của mình. Trẻ thường nói mình buồn, nói về ý nghĩ tự sát hay rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng của trẻ cũng có thể là cáu kỉnh, rầu rĩ, than vãn, mất hứng thú,...
  • Trẻ vị thành niên có thể có biểu hiện cáu kỉnh, khí sắc buồn dai dẳng hay suy giảm chức năng rõ rệt, nhất là trong học tập và các hoạt động xã hội.


Vì sao Con của tôi mắc Trầm cảm?

1. Di truyền:

Nhiều nghiên cứu về trầm cảm ở người lớn đưa đến giả thuyết có tính di truyền trong các rối loạn cảm xúc: các nghiên cứu về cặp sinh đôi cho thấy tỷ lệ trẻ cùng có rối loạn cảm xúc ở trẻ sinh đôi cùng trứng là 76% và khác trứng là 19%. Khi trẻ sinh đôi cùng trứng sống tách biệt thì tỷ lệ này giảm còn 67%, từ đây cùng thấy được môi trường có đóng vai trò trong biểu hiện triệu chứng rối loạn cảm xúc của các yếu tố di truyền.

Gia đình có người bị trầm cảm, trẻ sinh ra có tỷ lệ mắc các rối loạn cảm xúc cao hơn các rối loạn tâm thần khác.

2. Môi trường

Những điều có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm ở trẻ:

  • Những khó khăn trong gia đình
  • Bị bắt nạt, bị cô lập
  • Ngược đãi về thể chất, tinh thần hay lạm dụng tình dục
  • Cha mẹ ly thân/ ly hôn
  • Trải qua sang chấn
  • Mất mát người thân
  • Vấn đề trong học tập

Thông thường nguyên nhân trầm cảm là tổng hòa của nhiều vấn đề, như việc con bạn về mặt di truyền có thể dễ mắc trầm cảm và cùng lúc đó cũng đang trải qua những sự kiện khó khăn trong cuộc sống. 

Khi nào cần Thăm khám với Bác sĩ?

Nếu cha mẹ nghi ngờ rằng con mình có thể đang mắc trầm cảm, hay cảm thấy lo lắng với sức khỏe tinh thần của con, thì đều có thể đặt hẹn thăm khám cùng bác sĩ.

Tầm soát sức khỏe tâm thần sớm cùng bác sĩ có thể giúp phát hiện kịp thời những dấu hiệu tiềm ẩn của trầm cảm hay các rối loạn khác, từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.