Các Mức độ của Rối loạn phổ Tự kỷ

Các Mức độ của Rối loạn phổ Tự kỷ

HYPPO Clinic

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các mức độ trong rối loạn phổ tự kỷ, những triệu chứng, chẩn đoán và điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 54 trẻ em thì có một trẻ nhận được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ trong cộng đồng. Nó thường được nhận thấy ngay từ khi còn nhỏ, nhưng một số trẻ không được xác nhận chẩn đoán cho đến khi trưởng thành.

Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5), các bác sĩ phân loại rối loạn phổ tự kỷ theo mức độ 1, 2 hoặc 3 cho hai lĩnh vực hoạt động: giao tiếp xã hội và các hành vi hạn chế, lặp đi lặp lại.

Mức độ mà bác sĩ chẩn đoán sẽ phản ánh mức độ cần nhận hỗ trợ từ bên ngoài của trẻ trong cuộc sống hàng ngày.

Đánh giá điều này một cách chính xác có thể giúp bác sĩ và các chuyên gia khác làm việc với cá nhân để đưa ra sự hỗ trợ phù hợp.

Mức độ rối loạn phổ tự kỷ

DSM-5 nêu rằng có ba mức độ tự kỷ:

Mức độ 1: Cần sự hỗ trợ

Trẻ đáp ứng các tiêu chí ở độ 1 có thể phải đối mặt với những thách thức xã hội mà cần được hỗ trợ.

Trẻ có thể cảm thấy khó khăn khi:

  • Bắt đầu cuộc trò chuyện với người khác
  • Phản ứng như người khác mong đợi
  • Duy trì sự quan tâm, chú ý

Kết quả là, trẻ khó có thể kết bạn, đặc biệt là khi không có sự hỗ trợ phù hợp.

Trẻ cũng có thể:

  • Tuân theo các khuôn mẫu hành vi cứng nhắc
  • Không thoải mái với những tình huống thay đổi, chẳng hạn như một môi trường mới
  • Cần giúp đỡ về tổ chức và lập kế hoạch

Mức độ 2: Cần sự hỗ trợ đáng kể

Những trẻ đáp ứng tiêu chí độ 2 cần được hỗ trợ nhiều hơn những trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ độ 1. 

Ngay cả khi có sự hỗ trợ, trẻ có thể khó giao tiếp mạch lạc và khó phản ứng theo những cách thức thông thường.

Trẻ có thể:

  • Nói những câu ngắn
  • Chỉ nói về các chủ đề rất cụ thể mà trẻ thích 
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ, bao gồm cả nét mặt, cử chỉ 

Ví dụ, trẻ có thể quay mặt đi khỏi người mà trẻ đang giao tiếp.

Những trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ độ 2 cũng có thể gặp khó khăn trong hoạt động hàng ngày do khó khăn trong việc ứng phó với sự thay đổi. Đối mặt với sự thay đổi có thể khiến trẻ trải qua những đau khổ đáng kể.

Mức độ 3: Cần sự hỗ trợ rất đáng kể

Trong số những trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, những trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ độ 3 sẽ cần được hỗ trợ nhiều nhất. Trẻ sẽ cảm thấy rất khó khăn khi sử dụng hoặc hiểu giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

Trẻ có thể:

  • Tránh hoặc hạn chế tương tác với người khác
  • Cảm thấy khó khăn khi tham gia các trò chơi tưởng tượng với bạn bè
  • Khó Thể hiện sự quan tâm đối với bạn bè
  • Gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì tình bạn

Trẻ cũng có thể:

  • Đối mặt với khó khăn cực độ trong việc thay đổi hoạt động hoặc thói quen hàng ngày
  • Tuân theo các kiểu hành vi lặp đi lặp lại, chẳng hạn như lật đồ vật, đến mức ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của chúng
  • Trải qua mức độ đau khổ cao độ nếu một tình huống đòi hỏi trẻ phải thay đổi sự tập trung hoặc nhiệm vụ của mình

Triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ

Rối loạn phổ Tự kỷ có thể có cả tác động xã hội và hành vi đối với một cá nhân. Cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương tìm hiểu về các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ:

Trong các tình huống xã hội, trẻ có thể gặp khó khăn khi:

  • Bắt đầu hoặc duy trì một cuộc trò chuyện
  • Phản ứng phù hợp
  • Chia sẻ nhiều hơn về những điều mình quan tâm 
  • Duy trì giao tiếp bằng mắt
  • Sử dụng nét mặt phù hợp với bối cảnh giao tiếp
  • Hiểu góc nhìn của người khác

Hành vi của trẻ có thể bao gồm:

  • Thực hiện các hành động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như lắc lư hoặc nói đi nói lại một câu
  • Giữ khoảng cách với người khác
  • Có sự quan tâm sâu sắc đến một chủ đề cụ thể
  • Phát triển kỹ năng cao trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như toán học hoặc nghệ thuật
  • Gặp khó khăn trong việc ứng phó với những thay đổi trong thói quen hoặc môi trường
  • Trở nên bận tâm đến các bộ phận cụ thể của một đồ vật, chẳng hạn như bánh xe trên ô tô
  • Nhạy cảm với kích thích giác quan (như tiếng ồn lớn) ít hay nhiều hơn so với những trẻ có não bộ bình thường
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ

Trong một số trường hợp, rối loạn phổ tự kỷ có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng giữ thăng bằng, phối hợp và vận động của trẻ.

Chẩn đoán

Tự kỷ có thể khó chẩn đoán vì đây là một rối loạn phổ.

Các đặc điểm của rối loạn phổ tự kỷ có thể khác nhau giữa các cá nhân, một số trẻ có thể mắc rối loạn phổ tự kỷ chức năng cao cần ít hỗ trợ trong khi những trẻ khác sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Ở một số trẻ, các đặc điểm của rối loạn phổ tự kỷ có thể khó phát hiện.

Ở trẻ em, các dấu hiệu tự kỷ rõ ràng nhất thường được phát hiện ở độ tuổi là 2 tuổi, mặc dù chúng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Chẩn đoán trẻ tự kỷ bao gồm hai giai đoạn:

  1. Kiểm tra sự phát triển: Tất cả trẻ em nên được tầm soát phát triển định kỳ trong suốt quá trình lớn lên. Bác sĩ thường sẽ đánh giá các dấu hiệu tự kỷ vào khoảng 18 và 24 tháng tuổi. Bác sĩ cũng sẽ thảo luận về hành vi, sự phát triển và tiền sử bệnh của gia đình trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc.
  2. Đánh giá bổ sung: Nếu bác sĩ tin rằng một đứa trẻ có thể mắc rối loạn phổ tự kỷ, họ sẽ sắp xếp để một nhóm chuyên gia chăm sóc sức khỏe thực hiện các đánh giá sâu hơn. Bác sĩ tâm thần trẻ em và chuyên viên tâm lý có thể sẽ đánh giá các kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ. Các phần kiểm tra sâu hơn cũng có thể cần được thực hiện để loại trừ các tình trạng y khoa khác.

Ở trẻ lớn hơn, có thể giáo viên, người chăm sóc, cha mẹ hoặc những trẻ khác tương tác với trẻ có thể nhận thấy các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ. Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành đánh giá và chẩn đoán.

Rối loạn phổ tự kỷ có thể khó xác định hơn ở người lớn vì các đặc điểm có thể trùng lặp với các đặc điểm của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Sự hỗ trợ

Rối loạn phổ tự kỷ là mãn tính, nhưng sự hỗ trợ và trị liệu có thể giúp quản lý và ứng phó những triệu chứng của rối loạn. Sự hỗ trợ có thể giúp làm giảm:

  • Cáu gắt
  • Gây hấn
  • Hành vi mang tính ám ảnh
  • Tăng động
  • Tính bốc đồng
  • Giảm chú ý
  • Thay đổi khí sắc (tâm trạng)
  • Các vấn đề về lo âu

Tìm hiểu những phương pháp điều trị rối loạn phổ tự kỷ cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương: