Ảnh hưởng của Mạng xã hội đối với Sức khỏe Tâm thần

Ảnh hưởng của Mạng xã hội đối với Sức khỏe Tâm thần

HYPPO Clinic

Mạng xã hội có đang tạo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, gây ra các rối loạn như trầm cảm, lo âu,...? Chúng ta hãy cùng khám phá về mối liên hệ giữa mạng xã hội và sức khỏe tâm thần thông qua bài viết này nhé!

Vì sao Mạng xã hội có ảnh hưởng đến Sức khỏe tâm thần? 

Mạng xã hội được chứng minh có những mối liên hệ với trầm cảm, lo âu, cảm giác cô độc ở những người sử dụng với tần suất cao.

Một khảo sát năm 2015 cho thấy nhiều người trẻ dành đến 9 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội. Nhiều người trong số này cũng lo lắng về việc mình đang dành quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội. Điều này gợi lên câu hỏi liệu mạng xã hội có đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng hay không?

Một nghiên cứu tại Canada vào năm 2017 đã xác nhận câu trả lời. Nghiên cứu cho thấy những học sinh sử dụng mạng xã hội hơn 2 tiếng mỗi ngày thì có nhiều khả năng đánh giá sức khỏe tâm thần của họ ở mức trung bình hoặc kém hơn so với những người sử dụng không thường xuyên.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến giấc ngủ bị gián đoạn và khó vào giấc. Giấc ngủ đều đặn và chất lượng là điều cần thiết cho sức khỏe tổng quát. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy các vấn đề về giấc ngủ góp phần gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và quên.

Bên cạnh những tác động tiêu cực đến giấc ngủ, mạng xã hội còn có thể gây ra những khó khăn về sức khỏe tâm thần thông qua bạo lực mạng (cyberbullying). Trong một cuộc khảo sát năm 2020 với hơn 6.000 cá nhân từ 10–18 tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng một nửa trong số họ đã từng bị bạo lực mạng.

Một trong những mặt trái của các nền tảng mạng xã hội là nó tạo cơ hội cho nhiều cá nhân bắt đầu lan truyền những thông tin gây hại và sử dụng những lời lẽ lăng mạ, công kích có thể tạo ra nhiều tổn thương lâu dài về mặt tinh thần cho người khác.

Về mặt thống kê

Các cuộc khảo sát quốc gia và nghiên cứu dựa trên dân số cho thấy thế giới ảo trên mạng xã hội có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của người dùng. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, kết quả khảo sát cho thấy số vụ nỗ lực tự sát ở thanh thiếu niên tăng 25% từ năm 2009 đến năm 2017.

Mặc dù sự đóng góp của mạng xã hội có thể không quá rõ ràng trong từng trường hợp này, nhưng khung thời gian trên tương quan với tình trạng gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu của Sarah M. Coyne và cộng sự (2021) xác nhận có sự ảnh hưởng này. Nghiên cứu cho thấy trong khi việc sử dụng mạng xã hội có tác động tối thiểu đến nguy cơ tự tử của các bé trai, thì những bé gái sử dụng mạng xã hội ít nhất 2 giờ mỗi ngày từ 13 tuổi có nguy cơ tự tử cao hơn so với người trưởng thành.

Hơn nữa, những phát hiện trong nghiên cứu dựa trên dân số của Ramin Mojtabai và cộng sự (2016) cho thấy sự suy giảm về sức khỏe tâm thần ở Hoa Kỳ, với khả năng xảy ra các giai đoạn trầm cảm chủ yếu ở thanh thiếu niên tăng 37%.

Nghiên cứu “Associations Between Time Spent Using Social Media and Internalizing and Externalizing Problems Among US Youth” của Riehm K.E. và cộng sự (2019) cho thấy thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội hơn 3 tiếng mỗi ngày có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, hành vi gây hấn và hành vi chống đối xã hội.

Những ảnh hưởng tiêu cực

Mạng xã hội có thể gợi lên những cảm giác thiếu sót, tự ti. Nhiều người có thể cảm thấy rằng cuộc sống hay vẻ ngoài của họ không “bóng bẩy” so với những gì người khác thể hiện trên mạng xã hội, từ đó dẫn đến cảm giác ghen tị hay không hài lòng.

Nghiên cứu năm 2018 của Melissa G. Hunt và cộng sự cho thấy việc sử dụng mạng xã hội nhiều sẽ làm gia tăng cảm giác cô đơn. Nghiên cứu cũng cho thấy việc giảm sử dụng mạng xã hội giúp mọi người giảm cảm giác cô đơn và cô độc, đồng thời cải thiện sức khỏe tâm thần.

Hơn nữa, mạng xã hội có thể tạo điều kiện cho bạo lực mạng, tạo cảm giác bản thân là trung tâm của vũ trụ (self-centeredness), cũng như tạo khoảng cách với gia đình và bạn bè.

Những tác động tích cực

Ngoài những hạn chế, mạng xã hội vẫn giữa được tác động tích cực thông qua kết nối cộng đồng và các cá nhân khắp thế giới.

Kết nối dựa trên mạng xã hội giữa các nhóm có thể mang lại nhiều ích lợi. Qua mạng xã hội, các cá nhân gặp khó khăn với kỹ năng xã hội hay lo lắng về các tương tác xã hội đời thức có thể thể hiện được bản thân và hòa nhập với những người khác. Mạng xã hội cũng đặc biệt thuận lợi cho các nhóm yếu thế hay hội nhóm chuyên biệt vì nó cho phép những cá nhân có cùng quan điểm hay tư tưởng giao lưu với nhau. 

Mạng xã hội cũng là một nền tảng cho phép những người ‘không thể nói’ được lên tiếng. Đó có thể là những nạn nhân của bạo lực hay lạm dụng có cơ hội được cất tiếng đưa sự việc ra ánh sáng, nói về những điều họ đã trải qua, và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Một ví dụ cụ thể là phong trào #MeToo rất được quan tâm.

Mạng xã hội cũng là nơi dành cho giáo dục, truyền đạt, nuôi dưỡng và gợi mở những cách thức sáng tạo và thể hiện bản thân.

Các mối liên hệ

Sử dụng mạng xã hội không kiểm soát có thể dẫn đến nỗi sợ bỏ lỡ (fear of missing out hay FOMO). Nhiều người sẽ có cảm giác rằng những người khác đều đang làm tốt và vui vẻ hơn mình, từ đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng và có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần.

Nhiều người liên tục có cảm giác phải kiểm tra tin nhắn hay tin tức mặc cho điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt của họ. Họ cũng có thể chọn lướt mạng xã hội thay vì ra ngoài gặp gỡ các mối quan hệ xung quanh.

Ngoài ra, việc ưu tiên kết nối mạng xã hội hơn là tương tác xã hội trực tiếp sẽ làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như rối loạn trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Ngăn ngừa Tác động tiêu cực

Chúng ta có thể giúp bản thân tránh một số tác động có hại của mạng xã hội bằng cách hạn chế chỉ sử dụng ở mức 30 phút mỗi ngày, từ đó giảm cảm giác FOMO và các ảnh hưởng tiêu cực có liên quan.

Việc ý thức hơn về lượng thời gian dành cho mạng xã hội có thể giúp cải thiện về tâm trạng, khả năng tập trung và sức khỏe tâm thần nói chung.

Tuy vậy, chúng ta vẫn khó có thể tránh khỏi những yêu cầu sử dụng mạng xã hội trong công việc hay kết nối với các mối quan hệ. Với những trường hợp đã chịu tác động tiêu cực do mạng xã hội trong thời gian dài và sức khỏe tâm thần bắt đầu có những dấu hiệu  của rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi,... thì việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm thần và chuyên viên tâm lý là cực kỳ cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Coyne, S.M., Hurst, J.L., Dyer, W.J. et al. (2021) Suicide Risk in Emerging Adulthood: Associations with Screen Time over 10 years. J Youth Adolescence 50, 2324–2338. https://doi.org/10.1007/s10964-020-01389-6
  2. Hunt, M. G., et al. (2018). No more FOMO: Limiting social media decreases loneliness and depression [Abstract].
    https://guilfordjournals.com/doi/10.1521/jscp.2018.37.10.751
  3. Jiang, J. (2018). How teens and parents navigate screen time and device distractions.
    https://www.pewresearch.org/internet/2018/08/22/how-teens-and-parents-navigate-screen-time-and-device-distractions/
  4. Lobe, B., et at. (2020). How children (10-18) experienced online risks during the Covid-19 lockdown - Spring 2020, EUR 30584 EN, Publications Office of the European Union, Luxembourg, 2021, ISBN 978-92-76-29762-8, doi:10.2760/066196, JRC124034.
  5. Mojtabai, R., et al. (2016). National trends in the prevalence and treatment of depression in adolescents and young adults.
    https://pediatrics.aappublications.org/content/138/6/e20161878.short
  6. Pane, N. E. (2018). The rate of high school-aged youth considering and committing suicide continues to rise, particularly among female students.
    https://www.childtrends.org/high-school-aged-youth-considering-and-committing-suicide-among-female-students
  7. Riehm KE, Feder KA, Tormohlen KN, et al. (2019). Associations Between Time Spent Using Social Media and Internalizing and Externalizing Problems Among US Youth. JAMA Psychiatry. 2019;76(12):1266–1273. doi:10.1001/jamapsychiatry.2325
  8. Ramin M., et al. (2016). National Trends in the Prevalence and Treatment of Depression in Adolescents and Young Adults. Pediatrics December 2016; 138 (6): e20161878. 10.1542/peds.2016-1878
  9. Scott, H., et al. (2019). Social media use and adolescent sleep patterns: Cross-sectional findings from the UK millennium cohort study.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6830469/
  10. Social media use and mental health among students in Ontario. (2018).
    https://www.camh.ca/-/media/files/pdfs---ebulletin/ebulletin-19-n2-socialmedia-mentalhealth-2017osduhs-pdf.pdf