Rối loạn Lo âu ở Trẻ em

Rối loạn Lo âu ở Trẻ em

HYPPO Clinic

Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu về các loại rối loạn lo âu thường gặp ở trẻ em, đồng thời phân tích các dấu hiệu, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả.

Rối loạn Lo âu thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tham gia vào các hoạt động thường ngày của trẻ, chẳng hạn như trong việc học tập ở trường lớp, giao tiếp xã hội và duy trì các mối quan hệ xung quanh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, có tới 25,1% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 18 mắc rối loạn lo âu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em mắc rối loạn lo âu không được điều trị kịp thời có nguy cơ cao gặp các vấn đề như sa sút trong học tập, thiếu hụt các trải nghiệm xã hội và lạm dụng chất kích thích.

Dấu hiệu và triệu chứng

Trẻ mắc rối loạn lo âu có thể biểu hiện một số dấu hiệu như khóc lóc thường xuyên, muốn nghỉ học, miễn cưỡng/ lo lắng khi buộc phải rời xa cha mẹ.

Dấu hiệu của rối loạn lo âu ở trẻ em cũng có thể bao gồm cảm giác sợ hãi trong các tình huống giao tiếp xã hội, từ chối nói chuyện với người khác hoặc tham gia các hoạt động thường ngày.

Các triệu chứng cơ thể của rối loạn lo âu ở trẻ em là:

  • Run chân tay
  • Hụt hơi, thở gấp
  • Cảm thấy bồn chồn
  • Cảm thấy nóng mặt/đỏ bừng mặt 
  • Đổ mồ hôi tay
  • Khô miệng
  • Tim đập nhanh

Trẻ em mắc rối loạn này cũng thường cảm thấy khó ngủ, ngủ hay giật mình, gặp ác mộng, khó tập trung, dễ bị kích động trở nên cáu gắt.

Một số trẻ khác mắc rối loạn lo âu có xu hướng đi vệ sinh thường xuyên hoặc luôn cảm thấy đau bụng.

Phân loại 

Trẻ em có thể mắc nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau, bao gồm:

Rối loạn Lo âu Lan tỏa (Generalized anxiety disorder)

Trẻ em mắc rối loạn lo âu Lan tỏa (GAD) có thể lo lắng quá mức về các vấn đề và tình huống nhất định, bao gồm:

  • Học tập
  • Kiểm tra, thi cử
  • Bạn bè
  • Gia đình
  • Các mối quan hệ khác
  • Cách thể hiện bản thân trong các hoạt động như ca hát hoặc thể thao 

rối loạn lo âu lan tỏa ở trẻ cũng có thể biểu hiện như hạ thấp giá trị bản thân, trẻ cũng có thể tìm kiếm sự công nhận từ người khác. 

Rối loạn Hoảng loạn (Panic disorder)

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ em mắc Rối loạn Hoảng loạn là đã từng ít nhất trải qua hai cơn hoảng loạn. 

Các cơn hoảng loạn ở trẻ mắc Rối loạn Hoảng loạn thường xảy ra tự phát mà không cần bất kỳ nguyên nhân rõ ràng nào. Trẻ mắc Rối loạn Hoảng loạn có thể lo lắng về việc tái phát cơn hoảng loạn trong hơn một tháng sau lần đầu tiên trải qua.

Rối loạn Lo âu Chia ly (Separation anxiety disorder)

Lo âu chia ly thường thấy ở trẻ trong độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi nhưng không đồng nghĩa với việc mắc rối loạn này. 

Trẻ có lo âu chia ly thường cảm thấy lo lắng khi cha mẹ hoặc người chăm sóc rời khỏi phòng hoặc vắng mặt. Thông thường, có thể xoa dịu cảm giác lo âu chia ly ở trẻ bằng cách chuyển hướng sự chú ý của trẻ.

Nếu đứa trẻ lớn tuổi cảm thấy phiền muộn bất cứ khi nào một thành viên gia đình rời đi, và mất nhiều thời gian để bình tĩnh lại, trẻ có thể đang mắc rối loạn lo âu Chia ly.

Loại rối loạn này thường phổ biến ở trẻ em từ 7 đến 9 tuổi và ảnh hưởng đến khoảng 4% trẻ em.

Trẻ em mắc rối loạn lo âu Chia Ly có thể từ chối việc đến trường, tham gia vào các hoạt động ngoài trời, hoặc đến nhà bạn bè. Trẻ cũng thấy an tâm hơn nếu có người thân ở cùng khi ngủ. Trẻ mắc rối loạn này cũng có xu hướng nhớ nhà trầm trọng khi không ở bên gia đình.

Rối loạn Lo âu Xã hội (Social anxiety disorder)

Trẻ mắc rối loạn lo âu Xã hội có xu hướng lo lắng nhiều về các tình huống tương tác xã hội với những người xung quanh.

Trẻ cũng có thể cảm thấy lo lắng tột độ khi gặp người lạ hoặc bị gọi lên trước lớp. 

Mất nói có chọn lọc 

Mất nói có chọn lọc là một nhánh của Lo âu Xã hội. Trẻ mắc chứng mất nói có chọn lọc cũng có thể cảm thấy lo lắng khi nói chuyện trong một vài tình huống cụ thể, mặc dù trẻ vẫn có khả năng nói chuyện thoải mái với những người thân quen.

Đôi khi, cha mẹ hoặc người chăm sóc chỉ có thể nhận ra trẻ mắc chứng mất nói có chọn lọc khi giáo viên báo cáo về việc trẻ từ chối phát biểu trong lớp học.

Phụ huynh có thể làm gì để hỗ trợ trẻ quản lý lo âu tại nhà?

Việc loại bỏ hoàn toàn tất cả các nguồn lo âu khỏi cuộc sống của trẻ là điều không thể và thường phản tác dụng.

Cách tiếp cận hiệu quả hơn là giúp trẻ học cách ứng phó hiệu quả và mang lại kết quả tích cực với những tình huống và hoạt động khiến trẻ lo lắng. Điều này sẽ giúp giảm mức độ lo âu của trẻ theo thời gian.

Cách thức đặt câu hỏi khi nói chuyện với trẻ về cơn lo âu của trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ chia sẻ cảm xúc và nhận được sự hỗ trợ phù hợp. 

Thay vì hỏi trẻ có lo lắng về một tình huống hay không, hãy sử dụng câu hỏi mở để tìm hiểu cảm xúc của trẻ.

Việc trò chuyện cùng trẻ về những tình huống khiến trẻ lo lắng cũng có thể mang lại nhiều lợi ích. Điều này có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn về tình huống trẻ gặp phải, từ đó trẻ sẽ cảm thấy mình có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tình huống và cách phản ứng của bản thân.

Các cách thức hỗ trợ khác có thể mang lại lợi ích cho trẻ như:

  • Dạy trẻ cách nhận biết các dấu hiệu lo âu của mình, bao gồm cả triệu chứng cơ thể.
  • Duy trì thói quen sinh hoạt đều đặn khi có thể.
  • Cùng trẻ thực hành hít thở sâu ba nhịp chậm rãi.
  • Đối với trẻ nhỏ, việc đánh lạc hướng có thể hữu ích. Ví dụ, nếu trẻ có lo lắng khi không được ở bên gia đình, có thể chơi cùng trẻ nhằm đánh lạc hướng.
  • Tạo "Hộp lo âu" từ một hộp giày hoặc hộp khăn giấy rỗng. Trẻ có thể viết xuống những lo lắng của mình và bỏ chúng vào hộp. Vào cuối ngày hoặc cuối tuần, người chăm sóc có thể trò chuyện với trẻ về những lo lắng này.
  • Trước một sự kiện lớn, ví dụ như chuyển nhà hoặc chuyển trường, hãy dành cho trẻ thời gian để thích nghi với ý tưởng và thảo luận về lý do tại sao điều đó xảy ra.
  • Giúp trẻ bình tĩnh trong cơn hoảng loạn hoặc thời điểm lo lắng bằng cách đưa cho trẻ một vật và yêu cầu trẻ mô tả vật đó càng chi tiết càng tốt.

Phụ huynh làm mẫu những cơ chế ứng phó tốt tại nhà cũng có thể dạy trẻ cách quản lý lo âu của bản thân.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc không cần thiết phải che giấu hoàn toàn lo âu của mình trước con cái - bằng cách quản lý căng thẳng và lo âu một cách lành mạnh, họ có thể làm gương cho con.

Khi nào cần gặp bác sĩ tâm thần?

Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng rối loạn lo âu, ngoài những phương pháp tại nhà nêu trên thì phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám cùng bác sĩ. Bác sĩ tâm thần có thể giúp cải thiện tình trạng triệu chứng qua các phương pháp điều trị.

ThS. BS. Đào Thị Thu Hương thăm khám cùng trẻ

Điều trị

Tâm lý trị liệu (Talking therapy)

Tâm lý trị liệu bao gồm tham vấn tâm lý và liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là những lựa chọn điều trị phổ biến và phù hợp cho rối loạn lo âu ở trẻ em.

Theo liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), chuyên gia y tế có thể dạy trẻ về lo âu và cách nó ảnh hưởng đến cơ thể. Họ cũng có thể dạy trẻ cách nhận biết các triệu chứng và cách quản lý chúng.

Trẻ cũng có thể học cách tái lập quá trình suy nghĩ và áp dụng các phương pháp như chánh niệm, quản lý hơi thở và giãn cơ để giảm bớt các triệu chứng.

Điều trị bằng thuốc 

Thuốc chống trầm cảm là phương pháp điều trị phổ biến cho nhiều rối loạn sức khỏe tâm thần.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) là một lựa chọn điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em vì ít tác dụng phụ và không gây nghiện.

Thuốc SSRIs hoạt động bằng cách tăng cường mức độ serotonin trong não, một loại chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác hạnh phúc và khỏe mạnh.

Đối với trẻ mắc rối loạn lo âu ở mức độ nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc benzodiazepine. Tuy nhiên, loại thuốc này không phổ biến như các lựa chọn khác vì có thể gây nghiện. Do đó, bác sĩ chỉ kê đơn benzodiazepine trong thời gian ngắn hạn.

Theo một nghiên cứu năm 2015, việc kết hợp Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRI) hiệu quả hơn so với chỉ điều trị bằng tâm lý trị liệu hoặc điều trị bằng thuốc đơn lẻ.