Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) ở người trưởng thành

Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) ở người trưởng thành

HYPPO Clinic

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) ở người trưởng thành, bao gồm: Định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng điển hình, quá trình chẩn đoán, phác đồ điều trị ADHD và các rối loạn đồng mắc.

Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) thường được các chuyên gia y tế chẩn đoán ở trẻ em, tuy nhiên rối loạn này có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Dựa trên số liệu của Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA), ước tính có tới 60% trẻ em mắc Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) tại Hoa Kỳ tiếp tục trải qua rối loạn này khi trưởng thành.

Hiểu thêm về rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em cùng ThS. BS. Đào Thị Thu Hương:

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tỷ lệ người trưởng thành mắc Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) được chẩn đoán và điều trị là dưới 20% và chỉ khoảng một phần tư trong số họ chủ động tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Thế nào là Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)?

Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) hay một số người biết đến một thể của nó là Rối loạn Giảm chú ý (ADD), là một rối loạn phát triển thần kinh dẫn đến các triệu chứng giảm chú ý, bốc đồng và tăng động (hyperactivity).

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoàng gia Anh (Royal College of Psychiatrists), Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) có xu hướng cải thiện khi cá nhân trưởng thành. Ví dụ, mức độ tăng động ở một người thường giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, họ có thể vẫn gặp khó khăn trong việc tập trung, có hành vi bốc đồng và có xu hướng mạo hiểm.

Hệ quả là, người trưởng thành mắc Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) có thể gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc và các mối quan hệ xung quanh. Ngoài ra, người trưởng thành mắc ADHD còn có nguy cơ cao hơn mắc phải các rối loạn khác như lo âu, trầm cảm. 

Triệu chứng

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoàng gia Anh (Royal College of Psychiatrists), các triệu chứng điển hình của Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) ở người trưởng thành bao gồm:

  • Dễ bị phân tâm và khó tập trung, đặc biệt khi cảm thấy buồn chán 
  • Khó khăn trong việc lắng nghe người khác, thường xuyên ngắt lời và chen ngang khi họ đang nói
  • Khó khăn trong việc tuân thủ theo các chỉ dẫn
  • khó khăn trong việc lập kế hoạch, sắp xếp và quản lý thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ
  • Bồn chồn và không thể ngồi yên
  • Hay quên/ đãng trí
  • Dễ cáu kỉnh, mất kiên nhẫn và hay chán nản
  • Khó khăn trong việc ứng phó/quản lý căng thẳng
  • Hành vi bốc đồng

Chẩn đoán

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các chuyên gia y tế chẩn đoán Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) ở người trưởng thành dựa trên các tiêu chuẩn được quy định trong Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-5).

Dựa trên các triệu chứng ở người bệnh, chuyên gia y tế có thể phân loại ba kiểu ADHD.

  • Thể giảm chú ý (Predominantly inattentive presentation): Người mắc kiểu rối loạn này thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung và hoàn thành các nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao độ. Họ cũng dễ dàng bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài.
  • Thể tăng động - bốc đồng (Predominantly hyperactive-impulsive presentation): Người mắc kiểu rối loạn này thường có xu hướng hoạt động quá mức, nói nhiều và khó kiểm soát hành vi. Họ có xu hướng tăng động và dễ mất kiên nhẫn.
  • Thể kết hợp tăng động - giảm chú ý (Combined presentation): Người mắc kiểu hỗn hợp biểu hiện các triệu chứng của cả hai kiểu rối loạn trên với mức độ tương đương.

Để chẩn đoán ADHD ở người trưởng thành, một người cần biểu hiện ít nhất năm triệu chứng sau và kéo dài ít nhất 6 tháng (các triệu chứng này phải không phù hợp với mức độ phát triển của người trưởng thành đó).

Triệu chứng giảm chú ý 

Triệu chứng này thường có các biểu hiện:

  • Thường xuyên bỏ qua các chi tiết quan trọng hoặc mắc sai lầm, bất cẩn trong công việc và các hoạt động khác
  • Khó khăn trong việc tập trung chú ý vào các nhiệm vụ và hoạt động
  • Có vẻ không tiếp thu/ lắng nghe khi nói chuyện với người khác
  • Thường xuyên không hoàn thành công việc hoặc nhiệm vụ được giao tại nơi làm việc
  • Khó khăn trong việc sắp xếp các hoạt động và nhiệm vụ
  • Thường xuyên né tránh hoặc do dự thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực tinh thần trong thời gian dài
  • Thường xuyên làm mất những vật dụng cần thiết cho công việc và hoạt động
  • Dễ dàng bị phân tâm
  • Thường xuyên đãng trí/hay quên trong các hoạt động thường ngày

Triệu chứng tăng động - bốc đồng

Triệu chứng này thường có các biểu hiện:

  • Có xu hướng bồn chồn như chuyển động chân, tay hoặc không thể ngồi yên
  • Đứng dậy khi được yêu cầu ngồi yên
  • Bồn chồn
  • Khó khăn trong việc thư giãn với các hoạt động giải trí
  • Tăng động và luôn “bận rộn”
  • Nói nhiều/luyên thuyên
  • Ngắt lời câu hỏi
  • Khó khăn trong việc chờ đợi đến lượt mình
  • Chen ngang lời người khác

Các tiêu chuẩn chẩn đoán khác

Ngoài việc trải qua một số triệu chứng trên, người bệnh cũng phải:

  • Bắt đầu biểu hiện nhiều triệu chứng thiếu tập trung hoặc tăng động-bốc đồng trước 12 tuổi
  • Biểu hiện các triệu chứng này trong ít nhất hai môi trường, chẳng hạn như ở nhà và nơi làm việc
  • Biểu hiện cho thấy các triệu chứng này đang gây cản trở các hoạt động hàng ngày của họ
  • Biểu hiện cho thấy các triệu chứng này không phải do hậu quả của một rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như lo âu hoặc trầm cảm

Rối loạn kèm theo

Theo một nghiên cứu năm 2017, một người trưởng thành mắc Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) cũng có thể đồng thời biểu hiện với các rối loạn khác nhau.

Một số rối loạn kèm theo là:

Rối loạn Lưỡng cực 

Theo NIMH, Rối loạn Lưỡng cực và ADHD có thể xảy ra đồng thời ở một số cá nhân.

Người mắc Rối loạn Lưỡng cực có thể trải qua các giai đoạn hưng cảm với biểu hiện bồn chồn, nói luyên thuyên, mất tập trung, xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm.

Theo nghiên cứu năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành mắc Rối loạn Lưỡng cực đồng thời có ADHD dao động từ 9,5% đến 21,2% và ngược lại, tỷ lệ người trưởng thành mắc ADHD đồng thời có Rối loạn Lưỡng cực dao động từ 5,1% đến 47,1%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một người mắc Rối loạn Lưỡng cực hoặc ADHD trước tuổi 18 có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn còn lại theo thời gian.

Rối loạn Trầm cảm 

Rối loạn Trầm cảm là một rối loạn kèm theo phổ biến ở người trưởng thành mắc ADHD.

Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người trưởng thành mắc ADHD đồng thời mắc Rối loạn Trầm cảm dao động từ 18,6% đến 53,3%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy người trưởng thành mắc đồng thời ADHD và Rối loạn Trầm cảm có chất lượng cuộc sống thấp hơn so với người chỉ đơn thuần mắc Rối loạn Trầm cảm.

Rối loạn Lo âu 

Người trưởng thành mắc ADHD thường có xu hướng dễ mắc Rối loạn Lo âu hơn người không mắc ADHD.

Theo thống kê của Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA), 50% người trưởng thành mắc ADHD cũng đồng thời mắc Rối loạn Lo âu.

Người trưởng thành mắc ADHD có rối loạn sợ xã hội như nỗi sợ trong các tình huống giao tiếp xã hội, thường phổ biến hơn so với người trưởng thành mắc ADHD đồng thời mắc rối loạn hoảng loạn.

Lạm dụng chất kích thích

Nghiên cứu năm 2017 cho thấy lạm dụng chất kích thích như rượu bia, nicotine, cần sa hoặc cocaine là một trong những rối loạn kèm theo phổ biến nhất ở người trưởng thành mắc ADHD.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người trưởng thành mắc ADHD có nguy cơ lạm dụng chất kích thích cao gấp đôi so với người không mắc ADHD.

Trong đó, thuốc lá là chất kích thích được sử dụng phổ biến nhất ở người trưởng thành mắc ADHD.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người trưởng thành mắc ADHD có nhiều khả năng phụ thuộc nicotine mạnh mẽ hơn so với người không mắc ADHD.

Người mắc ADHD cũng có xu hướng sử dụng chất kích thích trong việc giúp họ điều chỉnh tâm trạng hoặc hỗ trợ giấc ngủ hơn so với người không mắc ADHD.

Rối loạn nhân cách 

Nghiên cứu năm 2017 trên cũng cho thấy hơn 50% người trưởng thành mắc ADHD đồng thời với rối loạn nhân cách, trong đó khoảng 25% người trưởng thành mắc ADHD có ít nhất hai chứng rối loạn nhân cách.

Điều trị

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH), một khi chuyên gia y tế chẩn đoán Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), họ có thể kê đơn thuốc điều trị và chỉ định trị liệu hành vi.

Các phương pháp tiếp cận điều trị Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) sẽ được trình bày chi tiết trong phần tiếp theo.

Thuốc 

Hai nhóm thuốc điều trị Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) phổ biến nhất là thuốc kích thích thần kinh trung ương (stimulants) và thuốc điều trị không kích thích (non-stimulants).

Thuốc kích thích làm tăng cường lượng dopamine và norepinephrine trong não. Đây là hai loại chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự tập trung, chú ý và kiểm soát hành vi.

Tuy nhiên, thuốc kích thích có thể không phù hợp với những người có các bệnh lý sau: tăng huyết áp, động kinh, rối loạn chức năng gan hoặc thận, rối loạn lo âu.

Thuốc không kích thích mặc dù có tác dụng chậm hơn so với thuốc kích thích, nó vẫn mang lại hiệu quả trong việc cải thiện khả năng tập trung và chú ý, đồng thời giảm thiểu hành vi bốc đồng ở người mắc ADHD.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp sử dụng cả thuốc kích thích và thuốc không kích thích cho cùng một bệnh nhân nhằm mục đích tăng cường hiệu quả điều trị ADHD.

Liệu pháp hành vi

Bác sĩ có thể chuyển gửi một người mắc Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) đến đơn vị trị liệu hành vi.

Liệu pháp hành vi và liệu pháp nhận thức - hành vi nhằm giúp người bệnh thay đổi kiểu mẫu hành vi và hướng dẫn các phương pháp củng cố hành vi mong muốn.

Bác sĩ cũng có thể giới thiệu người bệnh tham gia vào một nhóm trị liệu.