Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là gì?
Bài viết này sẽ giới thiệu về định nghĩa rối loạn căng thẳng sau sang chấn, triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ sự kiện sang chấn nhưng cũng có thể bắt đầu muộn hơn trong vài trường hợp.
Để chẩn đoán một người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn, họ cần đáp ứng các tiêu chuẩn được đưa ra trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-5):
- Đã trải qua hoặc chứng kiến cái chết hoặc bị đe dọa đến tính mạng, bị thương nghiêm trọng hoặc bị bạo lực tình dục. Biết được người thân, bạn bè trải qua những sự kiện sang chấn tương tự
- Trải qua những điều dưới đây hơn 1 tháng:
- Một hoặc nhiều triệu chứng xâm nhập
- Một hoặc nhiều triệu chứng né tránh
- Hai hoặc nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức
- Hai hoặc nhiều triệu chứng kích động hoặc phản ứng bắt đầu sau sự kiện sang chấn
Sau đây là một vài ví dụ về 4 loại triệu chứng này
Triệu chứng xâm nhập:
- Ác mộng
- Hồi tưởng và cảm giác như sự kiện đang xảy ra lần nữa
- Suy nghĩ sợ hãi
Triệu chứng né tránh:
- Từ chối thảo luận về sự kiện sang chấn
- Tránh những tình huống nhắc nhở người đó về sự kiện sang chấn
Triệu chứng ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức:
- Không có khả năng nhớ về một số khía cạnh của sự kiện
- Cảm thấy có lỗi và đổ lỗi
- Cảm thấy mất kết nối và xa lạ với người khác, tê liệt về mặt cảm xúc và tinh thần
- Giảm hứng thú trong cuộc sống
- Khó tập trung
- Các vấn đề sức khỏe tinh thần như: trầm cảm, sợ hãi và lo âu
Triệu chứng kích động và phản ứng:
- Khó ngủ
- Cáu kỉnh và bộc phát tức giận
- Mẫn cảm với những nguy hiểm có thể xảy ra
- Cảm thấy căng thẳng và lo lắng
Ngoài ra, những triệu chứng này phải gây ra tình trạng đau khổ đáng kể cho một người và làm suy giảm chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp của họ. Các triệu chứng này không phải do sử dụng thuốc, các chất kích thích hoặc các tình trạng sức khỏe khác gây nên.
Triệu chứng cơ thể
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể có những triệu chứng cơ thể, nhưng DSM-5 không bao gồm các triệu chứng này:
- Ảnh hưởng thể chất bao gồm: đổ mồ hôi, run, đau đầu, chóng mặt, các vấn đề về dạ dày, đau nhức và đau ngực
- Hệ thống miễn dịch suy giảm, có thể dẫn đến nhiễm trùng thường xuyên hơn
- Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến mệt mỏi và nhiều vấn đề khác
Một người có thể trải qua những thay đổi hành vi lâu dài dẫn đến những khó khăn trong công việc và đổ vỡ trong mối quan hệ. Họ có thể bắt đầu tìm kiếm những hành vi gây tê liệt như lạm dụng rượu, ma túy hoặc các loại thuốc khác.
Trẻ em và thanh thiếu niên
Ở trẻ dưới 6 tuổi, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tè dầm sau khi học cách sử dụng nhà tắm
- Không có khả năng nói
- Diễn lại sự kiện sang chấn trong lúc chơi
- Bám víu vào người lớn
Tuy nhiên, trẻ từ 5 đến 12 tuổi có thể không có hồi tưởng. Chúng có thể nhớ sự kiện một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có thể theo một thứ tự khác và cảm nhận được có thể có một dấu hiệu nào đó liên quan cho thấy điều đó sắp xảy ra.
Chúng cũng có thể biểu hiện thông qua trò chơi, vẽ hoặc kể chuyện. Ở độ tuổi này trẻ có thể gặp ác mộng và khó có thể đến trường, học tập hoặc chơi với bạn bè.
Từ 8 tuổi, nhìn chung phản ứng của trẻ sẽ tương đồng với người lớn.
Trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi, trẻ có thể có hành vi quậy phá, thiếu tôn trọng, bốc đồng hoặc hung hăng.
Chúng có thể cảm thấy có lỗi vì đã không hành động khác đi trong sự kiện đó hoặc có thể trả thù.
Trẻ em từng bị lạm dụng tình dục có khả năng:
- Cảm thấy sợ hãi, buồn, lo âu, và cô lập
- Lòng tự trọng thấp
- Cư xử hung hăng
- Biểu hiện các hành vi tình dục bất thường
- Tự hại
- Lạm dụng ma túy hoặc rượu
Tầm soát
Tầm soát là một phần trong quá trình chẩn đoán, chuyên gia có thể cho cá nhân tầm soát để đánh giá xem họ có mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn hay không.
Một phiên tầm soát có thể kéo dài từ 45 đến 60 phút. Nếu các triệu chứng biến mất sau vài tuần, cá nhân có thể được chẩn đoán rối loạn căng thẳng cấp tính.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có xu hướng kéo dài. Các triệu chứng của nó có thể nghiêm trọng hơn và không xuất hiện cho đến một thời điểm sau sự kiện sang chấn.
Nguyên nhân
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể phát triển sau một sự kiện sang chấn.
Một vài nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Nghĩa vụ quân sự
- Thảm họa thiên nhiên
- Tai nạn nghiêm trọng
- Khủng bố tấn công
- Mất người thân (dù có bị bạo lực hay không)
- Hiếp dâm hoặc các hình thức lạm dụng khác
- Tấn công cá nhân
- Là nạn nhân của một vụ án
- Được chẩn đoán bệnh nguy hiểm đến tính mạng
Bất kỳ tình huống nào gây ra sự sợ hãi, sốc, kinh hoàng hoặc bất lực đều có thể dẫn đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Yếu tố nguy cơ
Hiện vẫn chưa rõ tại sao dù trong cùng sự kiện, một số người phát triển rối loạn căng thẳng sau sang chấn mà một số khác thì không. Tuy nhiên, một vài yếu tố nguy cơ sau đây có thể làm tăng khả năng phát triển các triệu chứng:
- Gặp thêm vấn đề sau sự kiện, ví dụ mất người thân hoặc mất việc
- Thiếu sự hỗ trợ xã hội sau sự kiện
- Có tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc lạm dụng chất
- Đã từng bị lạm dụng, ví dụ trong thời thơ ấu
- Bị chấn thương, có thể là kết quả của sự kiện sang chấn
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Nhiều người gặp phải các triệu chứng sau sự kiện sang chấn chẳng hạn như khóc, lo âu hoặc khó tập trung nhưng đó không nhất thiết là rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Để ngăn việc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, cần điều trị kịp thời với một chuyên gia có trình độ.
Một người nên xem xét điều trị nếu có những biểu hiện sau đây:
- Các triệu chứng kéo dài hơn một tháng
- Các triệu chứng đủ nghiêm trọng để ngăn cá nhân quay trở lại nhịp sống bình thường
- Bắt đầu có suy nghĩ tự hại hay tự sát
Điều trị
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu, hoặc kết hợp cả hai phương pháp trên.
Nhiều liệu pháp được lựa chọn để can thiệp sang chấn, trong đó bao gồm liệu pháp xử lý nhận thức (CPT) và liệu pháp phơi nhiễm kéo dài (prolonged exposure therapy):
- Liệu pháp xử lý nhận thức (CPT): hay còn được gọi là tái cấu trúc nhận thức, trong liệu pháp này cá nhân học cách nghĩ về mọi thứ theo một cách mới. Các hình ảnh tâm lý về sự kiện có thể giúp họ vượt qua sang chấn để quản lý sự đau khổ và sợ hãi.
- Liệu pháp phơi nhiễm kéo dài: liệu pháp này hướng dẫn người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn tiếp cận suy nghĩ và cảm giác của họ về sự kiện sang chấn. Thảo luận về sự kiện và dần dần đối mặt với nguyên nhân khiến họ sợ hãi trong một môi trường an toàn, có kiểm soát để có thể giúp họ tự chủ hơn.
Thuốc
Các bác sĩ có thể kê đơn các nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine (SNRIs) để điều trị rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Một số thuốc có thể được kê đơn như:
- sertraline
- fluoxetine
- paroxetine
- venlafaxine
Theo Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ, đây là những loại thuốc hiệu quả nhất trong điều trị rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Liệu pháp thực nghiệm
Một vài nghiên cứu đề xuất các liệu pháp sau đây có thể hữu ích nhưng cần thêm nhiều bằng chứng để xác nhận tính an toàn và độ hiệu quả của chúng.
- Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (EMDR): gợi nhớ lại sự kiện trong khi tập trung vào một kích thích bên ngoài, chẳng hạn như chuyển động của ánh sáng, khiến mắt di chuyển từ bên này sang bên kia. Điều này có thể giúp giảm mức độ đau khổ cho người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn và cho phép cá nhân có thêm những suy nghĩ, hành vi và cảm xúc tích cực hơn.
- MDMA: các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu xem liệu chế phẩm của các loại thuốc kích thích có thể giúp những người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn học cách xử lý ký ức của họ hiệu quả hơn bằng việc khuyến khích cảm giác an toàn hay không.
Biến chứng
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể dẫn đến một vài biến chứng và bệnh đi kèm.
Người mắc rối loạn này tăng nguy cơ phát triển những rối loạn sau:
- Rối loạn khí sắc như trầm cảm hay lưỡng cực
- Rối loạn lo âu và hoảng loạn
- Rối loạn thần kinh bao gồm sa sút trí tuệ
- Rối loạn sử dụng chất
Mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể có những vấn đề sức khỏe khác chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách hoặc lạm dụng chất như rượu hoặc thuốc. Người mắc rối loạn này cũng tăng nguy cơ có ý định và nỗ lực tự sát.
NGƯỜI LỚN
- Trầm cảm và suy giảm trí nhớ có liên hệ với nhau không?
- Nhận biết những dấu hiệu tiềm ẩn của trầm cảm
- Tâm thần phân liệt có thể điều trị dứt điểm không?
- Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD)
- Những điều cần biết về Mộng du
- Người mắc tâm thần phân liệt có khả năng lao động hay không?
- Trầm cảm trong Thai kỳ
- Thuốc chống Loạn thần là gì?
- Rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học là gì?
- Tất cả những điều cần biết về Kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS)