Tất cả những điều cần biết về Kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS)

Tất cả những điều cần biết về Kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS)

HYPPO Clinic

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), bao gồm cả những lợi ích/nguy cơ và cách chuẩn bị cho quy trình này.

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là gì?

Kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation, viết tắt là TMS) là một phương pháp điều trị kích thích não bộ không xâm lấn, sử dụng từ trường để tác động lên một số vùng nhất định trong não có liên quan đến các tình trạng như trầm cảm và điều chỉnh cảm xúc.

Bệnh nhân thường dung nạp tốt với liệu pháp Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), tác dụng ngoại ý phổ biến nhất mà người bệnh có thể gặp phải là đau đầu. So với các phương pháp điều trị khác, TMS ít có khả năng gây ra tác dụng ngoại ý nghiêm trọng hơn.

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration, viết tắt là FDA) phê duyệt sử dụng cho rối loạn trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Phân loại

Có hai loại Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là: Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (repetitive transcranial magnetic stimulation, viết tắt là rTMS) và Kích thích từ trường xuyên sọ sâu (deep transcranial magnetic stimulation, viết tắt là dTMS).

Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS)

Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS) là một kỹ thuật điều trị mà bác sĩ sẽ đặt một thiết bị nhỏ lên da đầu bệnh nhân ở vùng não kiểm soát cảm xúc. Thiết bị này chứa một cuộn dây mang dòng điện và tạo ra từ trường.

Một phiên Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS) thường kéo dài khoảng 20-40 phút và không yêu cầu gây mê hay thuốc an thần. 

Bác sĩ có thể khuyến nghị điều trị bằng liệu pháp Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS) đơn thuần, hoặc điều trị rTMS kết hợp với thuốc chống trầm cảm.

Kích thích từ trường xuyên sọ sâu (dTMS) 

Xuyên suốt phiên điều trị Kích thích từ trường xuyên sọ sâu (dTMS), các bác sĩ sử dụng các cuộn dây có thiết kế đặc biệt để có thể tiếp cận các vùng cách bề mặt hộp sọ khoảng 4 cm.

Khi một người mắc rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), các bác sĩ có thể sử dụng cuộn dây loại H1. Cuộn dây loại H1 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt sử dụng trong điều trị các bệnh lý sức khỏe tâm thần.

Kích thích từ trường xuyên sọ sâu (dTMS) là một liệu pháp điều trị ngoại trú không cần gây mê. Bệnh nhân được đeo một chiếc mũ bảo hiểm có đệm mềm giúp tạo ra các từ trường ngắn, tương tự như máy chụp cộng hưởng từ (MRI).

Quá trình điều trị bằng liệu pháp Kích thích từ trường xuyên sọ sâu (dTMS) thường kéo dài trong khoảng từ 4 đến 6 tuần, và mỗi phiên tầm 20 phút.

Quy trình thực hiện Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)?

Quy trình thực hiện một phiên Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) diễn ra như sau, bác sĩ sẽ đặt một cuộn dây lên da đầu của bệnh nhân, cuộn dây này tạo ra các xung từ trường ngắn truyền xuyên qua hộp sọ và kích thích các tế bào thần kinh trong não.

TMS nổi bật với ưu điểm về khả năng tác động lên các vùng não cụ thể liên quan đến bệnh lý cần điều trị. Điều này giúp giảm nguy cơ tác dụng ngoại ý liên quan đến các thủ thuật kích thích não khác, như là liệu pháp choáng điện (ECT).

Tại sao bác sĩ áp dụng TMS? 

Các bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng liệu pháp Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) trong điều trị một số bệnh lý sức khỏe tâm thần. Dưới đây là một số bệnh lý thường được xem xét áp dụng TMS.

Trầm cảm

Các bác sĩ chủ yếu thực hiện TMS cho những bệnh nhân mắc rối loạn trầm cảm không cải thiện sau khi sử dụng thuốc chống trầm cảm. TMS tác động lên vùng vỏ não trước trán lưng bên (dorsolateral prefrontal cortex, viết tắt là DLPFC) - đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khí sắc, cảm xúc, hành vi xã hội và ra quyết định.

Theo một bài báo được công bố vào năm 2019, 30% người mắc rối loạn trầm cảm không cải thiện sau khi sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý.

Theo nghiên cứu, 50% đến 60% bệnh nhân tham gia điều trị bằng Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm. 

Lo âu và Rối loạn căng thẳng sau sang chấn 

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) có thể là một lựa chọn phù hợp cho những người mắc rối loạn lo âu. TMS có khả năng giảm hoạt động của tế bào thần kinh ở vỏ não trước trán - khu vực não bộ hoạt động mạnh mẽ khi con người cảm thấy lo âu.

Theo một nghiên cứu tổng hợp, Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) có thể mang lại lợi ích cho những người mắc Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Nghiên cứu cũng cho thấy tác dụng ngoại ý ở người tham gia thực nghiệm là không đồng nhất.

Nguy cơ và tác dụng ngoại ý

Liệu pháp Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) có thể không phù hợp với một số trường hợp cá nhân mang vật liệu kim loại không thể tháo rời trong đầu, bao gồm:

  • Stent kim loại ở cổ hoặc não
  • Điện cực 
  • Thiết bị kích thích não sâu 
  • Hình xăm trên mặt với mực nhạy từ
  • Kẹp hoặc cuộn dây nút điều trị phình động mạch

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), một số tác dụng ngoại ý sau đây có thể xảy ra khi thực hiện Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS):

  • Đau đầu
  • Cảm giác khó chịu/không thoải mái
  • Cảm giác châm chích/Tê bì da đầu
  • Chóng mặt nhẹ

Mặc dù Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, nhưng cũng có một nguy cơ nhỏ xảy ra co giật. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp, chỉ khoảng 0.1% trên tổng số ca điều trị.

ThS. BSCKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm thực hiện rTMS cho bệnh nhân

Chuẩn bị cho phiên điều trị Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)

Trước khi bắt đầu các buổi điều trị Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ thảo luận chi tiết với bệnh nhân về những gì họ sẽ trải qua trong phiên điều trị.

Đội ngũ y tế cũng có thể thảo luận thêm về những tác dụng ngoại ý tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình điều trị TMS.

Người bệnh nên cân nhắc việc nhờ người thân đưa đón khi tham gia các buổi điều trị Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS). Một số người có thể bị đau đầu sau một vài buổi điều trị TMS đầu tiên. Cảm giác đau đầu có thể khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn.

Quá trình thực hiện một phiên điều trị TMS sẽ diễn ra như thế nào?

Quy trình thực hiện rTMS tại HYPPO Clinic cùng ThS. BS. Lê Nguyễn Thụy Phương:

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho quá trình thực hiện Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), người bệnh cần tháo bỏ tất cả các vật dụng nhạy cảm với từ trường trước khi thực hiện TMS, có thể bao gồm trang sức kim loại (nhẫn, dây chuyền, vòng tay...) và các thẻ tín dụng. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị TMS cung cấp nút tai để bảo vệ thính giác, bởi vì có tiếng ồn lách tách do cuộn dây TMS tạo ra trong quá trình điều trị.

Bác sĩ sẽ xác định vị trí đặt cuộn dây TMS trên đầu của bệnh nhân. Vị trí này cần phù hợp với khu vực não bộ liên quan đến triệu chứng của họ.

Ngoài ra, các bác sĩ cần đo ngưỡng vận động (motor threshold, viết tắt là MT) cho bệnh nhân. MT là mức năng lượng tối thiểu cần thiết để kích thích cơ ngón tay cái co giật nhẹ. Việc đo MT có vai trò quan trọng trong việc xác định lượng năng lượng cần thiết để kích thích các tế bào não hiệu quả trong quá trình điều trị TMS.

Sau khi chuẩn bị xong, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngồi yên trong suốt quá trình thực hiện Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS).

Thời lượng của mỗi phiên điều trị Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) có thể thay đổi tùy theo loại cuộn dây mà bác sĩ sử dụng. Thông thường, mỗi phiên điều trị sẽ kéo dài khoảng 20-40 phút. Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể quay trở lại các hoạt động thường ngày của mình. 

Kết quả sau điều trị và điều trị tiếp theo 

Theo một bài đánh giá năm 2019, Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) được ghi nhận là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho rối loạn trầm cảm. TMS có thể mang lại lợi ích cho những người không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị bằng thuốc.

Theo Trường Y Harvard, Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) có thể không mang lại kết quả vĩnh viễn và bệnh nhân có thể cần phải tham gia điều trị lại nếu các triệu chứng tái phát. Tuy nhiên, phương pháp này mang lại một kết quả tích cực mà không cần sử dụng thuốc.

Ngoài việc xem xét các phương pháp điều trị y khoa, trị liệu tâm lý cũng có thể là một lựa chọn phù hợp để hỗ trợ bạn trong việc quản lý căng thẳng hiệu quả.

Tính ứng dụng của TMS

Trầm cảm là một rối loạn khí sắc phổ biến, nó gây ra những cảm xúc buồn bã, tội lỗi, khó ngủ kéo dài, cũng như các triệu chứng khác.

Thuốc điều trị trầm cảm có thể mang lại hiệu quả cho nhiều người, nhưng không phải ai cũng đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này. Trong những trường hợp như vậy, Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) có thể được xem như một lựa chọn thay thế tiềm năng.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với điều trị trầm cảm. Ngoài các phương pháp điều trị chính thức, liệu pháp tâm lý và tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc cộng đồng trực tuyến dành cho người mắc trầm cảm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh trầm cảm. 

Tóm lược 

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là một phương pháp điều trị sử dụng các trường điện từ để kích thích các tế bào thần kinh trong não. Phương pháp này tác động trực tiếp vào các khu vực não bộ chi phối cảm xúc, mang lại hiệu quả tiềm năng cho những người mắc rối loạn trầm cảm mà không đáp ứng tốt với thuốc chống trầm cảm.

Ngoài hiệu quả trong điều trị trầm cảm, Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) còn tiềm năng mang lại lợi ích cho những người mắc các rối loạn tâm lý khác như rối loạn lo âu, rối loạn nuốt (dysphagia) hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Mặc dù TMS là phương pháp điều trị không xâm lấn và không gây đau, nó có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý, bao gồm: đau đầu, khó chịu hay mờ mắt thoáng qua. Thêm vào đó, TMS không được khuyến cáo cho những người có cấy ghép kim loại trong não.

Mặc dù Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) mang lại hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện các triệu chứng của nhiều rối loạn tâm thần, hiệu quả của phương pháp này có thể không phải là vĩnh viễn. Một số người có thể cần tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện các đợt điều trị tiếp theo, đặc biệt là khi các triệu chứng tái phát.